Báo động đỏ ở nhiều nơi
Pháp đang nỗ lực kiểm soát các đám cháy rừng âm ỉ gần Marseille - thành phố lớn thứ hai của nước này. Hiện khoảng 700 lính cứu hỏa, với sự hỗ trợ của trực thăng thả nước, đang cố gắng kiểm soát các đám cháy phía Bắc thành phố và ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát một đám cháy rừng vừa được kiểm soát.

Bắc Macedonia cũng đang đối mặt với hơn 20 vụ cháy rừng hoành hành khiến chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp. Tổng thống Gordana Siljanovska Davkova đã ký lệnh huy động quân đội tham gia công tác cứu hỏa.
Tại Tây Ban Nha vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7, nhiệt độ đã tăng vọt lên tới 42oC ở nhiều khu vực. Hơn 3.300ha đã bị thiêu rụi trong tuần này tại vùng Đông Bắc Catalonia, chỉ vài ngày sau khi 6.000ha - chủ yếu là đất nông nghiệp - bị thiêu rụi trong cùng khu vực.
Do ảnh hưởng từ đợt sóng nhiệt nghiêm trọng, nhiều vùng ở Italy xảy ra cháy rừng, trong khi phần lớn đất nước được đặt trong tình trạng báo động đỏ về nhiệt độ cực cao. Hãng thông tấn ANSA đưa tin, Italy đã ban hành cảnh báo đỏ cho 18 thành phố, trong khi ở Đức, nhiệt độ được dự báo sẽ đạt đỉnh ở mức 40oC ở một số khu vực.

Xu hướng toàn cầu
Người phát ngôn của Tổ chức Khí tượng thế giới Clare Nullis cho biết, châu Âu đang trải qua những đợt nắng nóng khắc nghiệt mà thông thường chỉ thấy vào cuối hè.
Theo Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu, châu Âu đang nóng lên với tốc độ gấp đôi tốc độ trung bình toàn cầu và là lục địa nóng lên nhanh nhất thế giới.
Euronews dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng, những sự kiện này phản ánh xu hướng toàn cầu, khi biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tần suất và cường độ các hiện tượng thời tiết cực đoan, buộc các quốc gia phải tăng cường năng lực ứng phó và thích nghi với môi trường khí hậu ngày càng khắc nghiệt.
Còn tại châu Á, Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB) vừa thông báo sẽ tiến hành các hoạt động tại một số khu vực có lượng mưa lớn trong những ngày qua gồm Bogor, Bekasi, Tangerang và Jakarta để giảm lượng mưa tại khu vực thủ đô, vốn gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở khu vực này trong những ngày vừa qua. Đến nay, chính quyền Jakarta đã triển khai 605 máy bơm nước tại 202 điểm bơm cố định trên khắp thủ đô, cùng với 100 xe bơm di động cho 5 khu vực của thành phố.
Thời tiết nắng nóng gay gắt ở Nhật Bản trong những ngày hè cũng đang mang đến những rủi ro cho nền kinh tế nước này khi người lao động giảm giờ làm trong khi chi phí năng lượng tăng cao. Tiêu dùng cũng ít đi do các hộ gia đình phải đối mặt với tiền điện cao hơn vì thời gian sử dụng điều hòa dài hơn.
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khoảng 70% lực lượng lao động toàn cầu đã phải chịu nắng nóng quá mức, dẫn tới tình trạng sốc nhiệt, thậm chí tử vong. Thiệt hại do nắng nóng gây ra lên tới 361 tỷ USD.