Cụ thể, theo Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC), ngày 21-4, sản lượng điện tiêu thụ đạt 93,53 triệu kWh/ngày. Ngày 6-5, ghi nhận lượng điện tiêu thụ lên tới 94,802 triệu kWh, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Dự báo tiền điện còn tăng
Chị Trần Thị Kiều (ngụ quận 3, TPHCM) giật mình khi nhận thông báo tiền điện tháng 3 qua app vì số tiền tăng hơn 500.000 đồng. “Lúc mới nhận thông báo tiền điện tháng 3, tôi cũng thắc mắc không biết vì sao tiền điện lại tăng cao như vậy. Tháng 2 tiền điện chỉ gần 600.000 đồng mà tháng 3 gần 1,2 triệu đồng, trong khi các thiết bị điện gia đình sử dụng không có gì thay đổi. Nhưng, suy nghĩ kỹ mới thấy, giữa tháng 3 thời tiết nắng nóng nên thời gian sử dụng máy lạnh của gia đình nhiều hơn bình thường, đây có thể là nguyên nhân khiến tiền điện tăng”. Tương tự, chị Nguyễn Thị Quỳnh (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) cũng thắc mắc vì sao tiền điện của tháng 3 lại tăng cao hơn tháng 2 hơn 500.000 đồng.
Qua trao đổi được biết, cả 2 hộ gia đình trên đều có thời gian sử dụng các thiết bị làm mát nhiều hơn bình thường. Trước đây, thường họ sử dụng máy lạnh khoảng 5 giờ/ngày, nhiệt độ cài đặt là 26oC, nay do thời tiết nắng nóng, thời gian sử dụng máy lạnh tăng lên 13 giờ/ngày với nhiệt độ cài đặt 20oC, quạt điện sử dụng liên tục gần 15 giờ/ngày. Chính việc kéo dài thời gian sử dụng các thiết bị làm mát đã dẫn đến tiền điện tăng cao.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC, cho biết, việc gia tăng tiêu thụ điện tương ứng với nhiệt độ mùa nắng nóng khi khách hàng sử dụng các thiết bị làm mát nhiều hơn. Bên cạnh đó là yếu tố nhảy bậc thang theo biểu giá điện dẫn đến tiền điện càng tăng. Cũng theo ông Bùi Trung Kiên, dự báo hóa đơn tháng 5 và tháng 6, tiền điện sẽ tăng cao hơn nhiều so với tháng 3. Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng cực đoan, lượng điện tiêu thụ liên tiếp lập kỷ lục, cộng với điều chỉnh giá điện tăng thêm 3% từ ngày 4-5, cùng biểu giá điện bậc thang nên tiền điện các tháng tới tăng cao là không thể tránh khỏi.
Sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm
TS Huỳnh Văn Vạn, Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, cho biết, về góc độ chuyên môn, lượng điện năng tiêu thụ được xác định bằng công suất điện của thiết bị nhân thời gian sử dụng; tiền điện thì lấy điện năng nhân với giá tiền. Trong mùa nắng nóng, việc sử dụng quạt và máy lạnh thường xuyên hơn, thời gian sử dụng nhiều hơn nên điện năng tiêu thụ nhiều hơn. Một nguyên nhân khác dẫn đến tiền điện tăng cao là do người dân chọn nhiệt độ máy lạnh trong phòng thường thấp hơn nhiều so với nhiệt độ bên ngoài dẫn đến tiêu thụ điện nhiều hơn. Nhiệt độ môi trường tăng cao cũng là nguyên nhân làm cho máy lạnh tiêu thụ điện nhiều hơn. Đơn cử, khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1oC thì lượng điện tiêu thụ của điều hòa không khí có thể tăng 1,5-3%; nhiệt độ tăng khoảng 5oC thì điện năng tiêu thụ có thể tăng thêm 10%.
Theo TS Huỳnh Văn Vạn, để sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, cần phải sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng: đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và đúng nhu cầu. Cùng với đó, thực hiện một số giải pháp như lắp đặt dàn nóng máy lạnh ở vị trí hợp lý, tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp; chọn nhiệt độ phòng hợp lý từ 26oC trở lên; vệ sinh và bảo trì thường xuyên các thiết bị điện tăng hiệu suất thiết bị; chọn các thiết bị có nhiều sao về hiệu suất năng lượng; sử dụng các sản phẩm có công nghệ tiết kiệm điện inverter; ra vào phòng phải đóng cửa khi sử dụng máy lạnh; hạn chế sử dụng điện vào các giờ cao điểm…
“Máy lạnh là thiết bị tiêu tốn điện năng nhất và chiếm tỷ trọng tiêu thụ điện lớn trong hộ gia đình. Tiêu thụ điện của máy lạnh chiếm từ 28-64%, có khi lên đến 80% chi phí điện của gia đình. Khi thời tiết nắng nóng 35-40oC, nhiều người có thói quen cài đặt máy lạnh tối đa 18oC thì mức tiêu thụ điện của máy lạnh có thể tăng đến 400% so với những ngày nhiệt độ ở mức trung bình và cài máy lạnh ở mức 260C. Điều đó dẫn đến tổng lượng điện năng tiêu thụ có thể tăng trên 200% so với các tháng trước, do đó làm tăng tiền điện của hộ gia đình”, ông Bùi Trung Kiên chia sẻ.