Thói quen viết, ký tên, vẽ... nhằm để lại dấu tích, thậm chí còn lấy mẩu hiện vật, vốn không hiếm với nhiều người đi du lịch, bất kể điểm đến là nơi tôn nghiêm hay di tích lịch sử cần được gìn giữ.
Tại di tích nhà tù Côn Đảo, rất nhiều bức tường chằng chịt các dấu vẽ, khắc, ghi tên, mà bất kỳ ai nhìn vào cũng thấy xấu hổ. Ở một số ngôi chùa, người ta để lại dấu tích ở các bức tường, các hàng cây, có người còn ghi chữ lưu niệm ngay trên chuông cổ.
Ở các tháp Chăm, vốn là nơi thờ phụng của người Chăm trước đây, nhiều người cũng vô tư dùng bút xóa trắng để viết tên mình, ký tên hoặc ghi ngày tháng đến đây. Nhiều di tích ở Huế, từ Văn Miếu, Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong, cho đến chùa Thiên Mụ, đều có dấu tích viết, khắc, kể cả khắc sâu trên đá. Ngay ở một số hang động tại vịnh Hạ Long, dù các đoàn khách bao giờ cũng được nhắc nhở không được sờ hay bẻ các mẩu thạch nhũ, vậy mà vẫn có người cố tình lấy đem về làm kỷ niệm…
Cách lưu niệm như vậy thực chất là một thói quen xấu của không ít du khách người Việt, kể cả khi đi du lịch nước ngoài. Trên thực tế, du khách có rất nhiều sự lựa chọn để ghi lại “chứng tích” là mình đã từng đến một nơi nào đó mà không cần thiết để lại những dấu vết không hay, hoặc phải lấy cắp thứ gì đó tại điểm đến.
Chẳng hạn, với phần đông du khách đều có máy ảnh, điện thoại thì việc chụp vài bức ảnh với các di tích là điều rất dễ dàng, kể cả ảnh selfie, thậm chí còn có thể chụp với những người đang làm việc tại di tích, như nhân viên quản lý, bảo vệ…
Nhiều điểm tham quan còn bán những món đồ lưu niệm đặc trưng ở nơi đó, hoàn toàn có thể trở thành vật lưu niệm đáng nhớ cho du khách đến nơi này. Nhưng nhiều người đã chọn cách để lại dấu tích như một cách thể hiện sự hiện diện của mình ở nơi đó, nhưng kỳ thực là bằng chứng khẳng định sự kém văn hóa của mình với những người khách khác, nhất là khách nước ngoài.
Ngành du lịch từ lâu đã có một slogan đáng chú ý: Không lấy gì ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân. Các dấu tích, rác hay vật dụng khác tuyệt nhiên không nên để lại nơi tham quan, bởi nó có thể làm tổn hại đến di tích, nhất là những di tích lịch sử, hoặc làm mất mỹ quan, mất sự tôn nghiêm của các di tích tâm linh.
Để hạn chế thói quen xấu để lại dấu tích, tại các điểm tham quan, du lịch cần có ghi rõ nội quy ở nơi dễ thấy, dễ đọc và phổ biến đầy đủ nội dung đến các hướng dẫn viên du lịch để nhắc nhở cho du khách. Nội quy cần ghi rõ các hình thức chế tài theo quy định của pháp luật và cần có nhân viên túc trực để ngăn chặn, xử lý ngay những trường hợp vi phạm.
Dĩ nhiên, cần có camera giám sát để phát hiện ai vi phạm và làm bằng chứng xử lý. Nếu việc xử lý được thực hiện nghiêm thì hẳn sẽ có tác dụng răn đe, nhắc nhở tích cực.
Bên cạnh đó, trong công tác truyền thông, cần kết hợp giữa báo chí và mạng xã hội để tác động đến nhận thức của người tham quan, như các quy tắc ứng xử của du khách, các hành vi nên làm và nên tránh, các ứng xử phù hợp ở nơi tôn nghiêm… Trong một số trường hợp nghiêm trọng, cần mạnh mẽ lên án để tạo sự chuyển biến chung, như cách mà dư luận tác động đến vụ “hôi bia” ở Đồng Nai, từ đó làm nạn hôi của khi có tai nạn đã giảm hẳn.
Sự kết hợp hình thức chế tài và tuyên truyền nếu được thực hiện tốt và thường xuyên sẽ hình thành nhận thức tích cực cho du khách để họ ý thức được quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình khi đến với các điểm tham quan, di tích, kể cả ở nước ngoài.
Bởi khi đó họ sẽ hiểu rằng đó là tài sản chung của dân tộc, của nhân loại, mỗi người cần ra sức gìn giữ, tôn tạo. Nếu chúng ta không gìn giữ các di tích, mà cố tình để lại các dấu tích, làm hư hỏng di tích, thì mai này con cháu chúng ta sẽ chẳng còn di tích thật để thưởng lãm. Câu chuyện “A.Hào” gây tai tiếng ở Nhật Bản nên xem là bài học ứng xử văn hóa tại Việt Nam.