Ngày 26-5 tại TPHCM, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và báo Tuổi Trẻ tổ chức buổi công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng “Ngày không tiền mặt năm 2023”. Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, thời gian vừa qua, NHNN và các bộ ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu trình Quốc hội, Chính phủ ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực thanh toán. Thời gian tới sẽ có thêm nhiều bước đột phá khi khung pháp lý tiếp tục hoàn thiện. Tới đây mạng lưới đại lý chấp nhận thanh toán không tiền mặt sẽ vươn tới vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Nói về sự phát triển trong thanh toán không dùng tiền mặt, ông Tuấn cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2023, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 8,5% về giá trị. Số lượng giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 70,7% về số lượng và tăng 18,5% về giá trị.
Đáng chú ý, đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ rút tiền mặt sang thanh toán không tiền mặt. Số lượng giao dịch qua POS tăng 37,5% về số lượng và tăng hơn 32% về giá trị, giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 2,3% về số lượng và giảm 4,02% về giá trị. Đến cuối tháng 3, toàn thị trường có 21.347 máy ATM và có 430.625 máy POS; tăng tương ứng 3,88% và 26,3% so với cùng kỳ năm 2022. Một điểm đáng chú ý là những giải pháp thanh toán mới, hiện đại, tiết kiệm chi phí như thanh toán qua mã phản hồi nhanh (QR code), thanh toán phi tiếp xúc (contactless)… đã được các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán áp dụng, tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật. Qua đó góp phần phổ biến thanh toán không tiền mặt đến với người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, sau hơn 1 năm triển khai dịch vụ Mobile-Money, đến nay đã có đến 3,71 triệu tài khoản mobile money được mở, trong đó 30% tài khoản được mở ở vùng xa, hải đảo. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử trong năm qua tiếp tục được chú trọng đầu tư, mở rộng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của toàn xã hội.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM phát biểu |
Tại buổi họp báo, Sở Công thương TPHCM cho biết, nhiều hoạt động của TPHCM có thể kết hợp với nội dung tiêu dùng không tiền mặt. Cụ thể, năm nay, Chương trình khuyến mãi “Tưng bừng mua sắm hè 2023” của TPHCM trùng với cao điểm của chuỗi sự kiện “Ngày không dùng tiền mặt” nên kỳ vọng 2 sự kiện này kết hợp sẽ tạo ra hiệu ứng mới, lan tỏa cao trong trải nghiệm mua sắm của người dân. Đặc biệt, trong các ngày của “Lễ hội không tiền mặt - Cashless Town” được tổ chức từ ngày 16 đến 18-6 ở khu vực trung tâm quận 1, TPHCM, sẽ có nhiều hoạt động tăng cường kết hợp với các đơn vị thanh toán, hiện thực hóa thói quen thanh toán không dùng tiền mặt.
Chia sẻ về bức tranh thương mại của TPHCM gắn với sự chuyển đổi thanh toán không tiền mặt, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, thời gian qua, Sở Công thương TPHCM đã nỗ lực để gắn kết, có thêm nhiều đối tượng tham gia vào xu hướng thanh toán không tiền mặt, trong đó tập trung vào thương mại dịch vụ và dịch vụ công. Hiện thanh toán không tiền mặt đã len lỏi và tạo được chỗ đứng vững chắc trong hoạt động mua sắm, tiêu dùng hằng ngày của người dân TPHCM.
Thị trường bán lẻ, trong đó thương mại điện tử là một trong những đối tượng hưởng lợi của sự chuyển đổi này. Trong 20 tỷ USD của thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt được vào năm ngoái thì ước tính thị trường TPHCM chiếm đến 40%. Ngoài ra, với mạng lưới bán lẻ hiện đại khá phát triển gồm 237 siêu thị, 47 trung tâm thương mại, hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi... trên địa bàn là những địa điểm triển khai mạnh mẽ các phương thức thanh toán không tiền mặt. Khối còn lại là khoảng 60.000 tiểu thương đang kinh doanh tại chợ, khoảng 14.000 cửa hàng tạp hóa, ngành công thương TPHCM cũng có những phương thức khác nhau để triển khai chương trình thanh toán không tiền mặt. Người dân sẽ ủng hộ khi nhận được những lợi ích từ hình thức thanh toán này.