“Thời”... khuẩn tả: Vũng Tàu - thịt chó vẫn đắt hàng

Dịch tả chỉ có ở miền Bắc (?!)
“Thời”... khuẩn tả: Vũng Tàu - thịt chó vẫn đắt hàng

(SGGP-12G0.- Trong khi dịch tiêu chảy cấp đã làm các quán thịt chó ở miền Bắc vắng tanh vắng ngắt, các chủ quán “méo mặt”, thì chủ các tiệm cầy tơ tại Vũng Tàu mặt mày “giãn nở” vì vẫn bán đắt hàng.

Vẫn tấp nập người ăn

Mới 3g chiều, quán “Thịt chó 68” ở đường Đô Lương, phường 11, thành phố Vũng Tàu đã đông kín không có chỗ chen chân. Xe máy của khách đến ăn thịt chó tràn ra cả vỉa hè. Những bàn thịt chó kê san sát nhau mà vẫn không đủ cho khách ngồi.

Khách hàng vẫn vô tư thưởng thức thịt chó

Khách hàng vẫn vô tư thưởng thức thịt chó

Chủ quán là vợ chồng anh Nguyễn Văn An, quê Nam Định cùng 3 người giúp việc luôn tay luôn chân mà không kịp bưng bê phục vụ khách.

Chị Nhị, vợ anh An, hớn hở khoe: “Trong khi ngoài Bắc thịt chó ế ẩm thì trong này đắt như tôm tươi. Ngày thường đã đông khách, những ngày cuối tuần còn đông hơn. Hai tuần nay, dù tin tức trên báo, đài cho biết chỗ này, chỗ kia bị tiêu chảy vì thịt chó thì ở đây, khách đến ăn vẫn đông. Không chỉ dân làm hồ, bộ đội mà cả sinh viên, học sinh và cán bộ công chức cũng đến ăn. Có người còn đánh cả xe con đến đây, vợ chồng con cái ăn xong còn mua về. Chỉ cần hơn trăm ngàn đồng là hai người xả láng no nê, quên cả đường về”.

Dịch tả chỉ có ở miền Bắc (?!)

Đường Đô Lương tại phường 11, TP Vũng Tàu chiều dài chưa đầy 3km, nhưng có đến 6 quán thịt chó. Trong đó những quán thịt chó thường xuyên đông khách như “Thịt cầy 68”, “Cầy tơ 379”, “Cầy tơ bốc lửa”, bình quân mỗi quán ngày bán 1, 2 tạ thịt.

Anh Tạ Văn Yên mới chân ướt chân ráo từ Đông Anh, Hà Nội vào cùng với người em trai mở quán “Thịt cầy bốc lửa” ở 1126 Đô Lương cho biết: “Quán em mới mở nhưng cũng đã nhiều người đến ăn. Khách đến đông nhất vào các chiều thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật. Những ngày mưa như hôm nay thì khỏi nói, không có chỗ cho họ ngồi. Nhiều người ở ngoài Bắc mới vào không dám ăn vì sợ dịch tả, song thấy nhiều người ăn nên cũng vô tư luôn. Càng mưa, thịt chó bán càng chạy”.

Anh Mai Văn Công quê ở Thanh Hóa là thợ hồ tuần nào cũng “ghé” quán “Thịt cầy Sông La” ở đường 30 Tháng 4 tâm sự: “Dân lao động chúng tôi khoái nhất món thịt chó, vừa hợp với túi tiền, ngon lại rẻ. Chiều đi làm về, “làm” nửa xị với 1 đĩa là xong. Các món này ăn mãi không chán”.

Khi được hỏi về thông tin dịch tả, anh Công cười xuề: “Dịch tả chỉ có ở ngoài Bắc, chứ trong Nam này cứ ăn vô tư đi”. Bà chủ quán “Thịt cầy sông La” mặt tươi roi rói tay đếm tiền, tươi cười tiễn khách: “Ngày mai mời các bác lại đến nhé. Em sẽ để mỗi bác một cái “tay cầm” thật ngon” (đùi chó nướng - NV).

Vệ sinh- khuất mắt trông coi

Theo Bộ Y tế, đến ngày 22-5, 15 tỉnh, thành có bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy cấp. Trong 297 bệnh nhân tiêu chảy cấp (60% trong số này dương tính với vi khuẩn tả) nhập viện trong một tháng qua, có 125 người ăn thịt chó (chiếm 42%), 69 người ăn thức ăn đường phố (23%)…

Để phục vụ 300 đến 400 lượt “thượng đế” thì vợ chồng anh An phải “vắt chân lên cổ mà chạy”. Dĩ nhiên khách càng đông, thì khâu vệ sinh cũng nhiều vấn đề. Đáng lý các loại rau sống như lá mơ, rau húng… phải rửa mấy lần nước sạch, song vì để kịp cho khách thì người làm chỉ cần nhúng qua nước, vẩy khô là xong.

Còn chuối hột lột vỏ, khế chua xắt lát bày ra đĩa coi như xong. Khuất mắt trông coi, các “thượng đế” cứ ăn ngon lành, đâu biết rằng trong đám rau thơm kia chứa nhiều trứng giun sán và vi trùng. Đã thế, khâu chế biến thịt chó thì ai đảm bảo an toàn, vệ sinh.

Chị Nhị cho biết: “Nhiều khi khách đông, cả nhà em làm không kịp. Nói thật, nếu mình làm sạch sẽ thì không kịp, cũng phiên phiến thôi. Nhưng từ khi vợ chồng em mở quán đến giờ, chưa thấy ai đau bụng hoặc kêu ca bị tiêu chảy gì”.

Mai Thắng

Tin cùng chuyên mục