Theo Japan Today, anime chưa bao giờ phổ biến như bây giờ, và điều đó đúng với cả trong và ngoài Nhật Bản. Điều này thể hiện qua việc anime được phát hành kỹ thuật số, giúp khán giả dễ dàng xem nội dung mới bất cứ khi nào, dễ dàng theo dõi các tập phim bị bỏ lỡ, cộng với một số lượng lớn các sự kiện được người hâm mộ tổ chức quy mô.
Hiệp hội Các nhà làm phim hoạt hình Nhật Bản thực hiện nghiên cứu hàng năm về thu nhập của ngành, theo tính toán dữ liệu từ khoảng 150 công ty quan trọng liên quan đến anime, báo cáo năm 2019 cho thấy, đây là năm thứ 6 liên tiếp tổng quy mô của ngành công nghiệp anime đã tăng lên mức kỷ lục mới: 2.114 tỷ yen. Tuy doanh số bán video tại nhà tiếp tục giảm, xuống còn 58,7 tỷ yen (giảm khoảng 25% so với năm trước), nhưng doanh thu phát trực tuyến video tiếp tục tăng, đạt 59,5 tỷ yen. Lần đầu tiên doanh thu anime trực tuyến nhiều hơn so với phát hành video.
Thêm một lần đầu tiên mang tính lịch sử nữa là doanh thu từ nước ngoài đạt gần 1.001 tỷ yen, phá vỡ mốc 1.000 tỷ yen, chủ yếu đến từ phim và doanh thu trò chơi video liên quan đến anime. Con số này cho thấy 46% doanh thu đến từ bên ngoài Nhật Bản, khiến thị trường nước ngoài quan trọng như thị trường trong nước đối với ngành công nghiệp anime.
Tuy nhiên, doanh thu tăng là một điều tốt, nhưng điều quan trọng hơn và chưa được trả lời là liệu lợi nhuận có tăng hay không? Đã có trường hợp ngay trong tháng 12 này, một công ty sản xuất phim hoạt hình ở Tokyo biến mất mà không trả tiền cho hàng chục nhà làm phim, sau đó bất ngờ xuất hiện lại và tuyên bố phá sản do nợ nần. Ngoài ra còn câu hỏi, liệu tăng trưởng doanh số ngành công nghiệp anime có tỷ lệ thuận với sự gia tăng số lượng công ty sản xuất phim hoạt hình hay không, khi tổng doanh thu cao nhưng lợi nhuận thực tế của từng công ty lại thấp.
Còn nhớ ngày 18-7, Shinji Aoba, 41 tuổi, mang theo 40 lít xăng vào xưởng làm phim chính của Hãng phim hoạt hình Kyoto Animation và phóng hỏa. Đám cháy đã phá hủy tòa nhà, đồng thời hủy hoại tất cả vật liệu bên trong, lấy đi sinh mạng của 36 người đang làm việc tại đây, trong đó có cả những tên tuổi có tiếng trong ngành phim hoạt hình.
Kyoto Animation nổi bật giữa vô số các hãng phim hoạt hình của Nhật nhờ cách làm việc đặc biệt. Thay vì thuê những họa sĩ tự do và trả công dựa trên lượng công việc thì họ tự đào tạo nhân viên và trả lương tháng. Cách tiếp cận độc đáo này đã giúp Kyoto Animation sản xuất ra những series và phim hoạt hình xuất sắc liên tiếp trong vòng hơn 10 năm, trong đó phải kể đến bộ phim hoạt hình A Silent Voice (2016), một trong những thành tựu tốt nhất của ngành điện ảnh Nhật.
Kyoto Animation, hay còn có tên KyoAni, cũng được biết đến với nhiều bộ truyện được sử dụng làm cơ sở cho các phim hoạt hình thành công. Sau thảm họa này, các fan của KyoAni trong và ngoài nước đã gửi đến vô số lời chia buồn và hỗ trợ cho studio về mặt tài chính. Điều này chứng tỏ vị trí đặc biệt của hãng phim trong trái tim mọi người.
Đến tháng 12 này, Kyoto Animation đã dần hồi phục từ vụ tấn công. Chương trình huấn luyện họa sĩ của hãng phim đã lại đi vào hoạt động. Hãng phim bắt đầu thực hiện một số dự án mới, như phần tiếp theo của loạt phim Violet Evergarden, dự kiến ra mắt vào tháng 4-2020. Dù sao đi nữa, không thể phủ nhận nhu cầu ngày càng tăng đối với anime trên toàn thế giới.