Biến “không” thành “có”
Có mặt tại Trường THCS Nguyễn An Khương (huyện Hóc Môn) vào một ngày cuối tháng 9, cơn mưa bất chợt giữa trưa không làm xua tan đi bầu không khí ấm nóng bên trong lớp học. Trần Thị Như Quỳnh, học sinh lớp 9TH2 cho biết, em đã đọc “Người con gái Nam Xương” (trích trong tác phẩm “Truyền kỳ mạn lục” của tác giả Nguyễn Dữ) nhiều lần trước đây, nhưng khi bước vào tiết học môn ngữ văn của cô Phạm Thị Thanh Nhung, nhờ cách dẫn dắt khéo léo bằng hình vẽ, lồng ghép vào đó những câu chuyện kể về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, nên đã khơi gợi được cảm xúc của học sinh.
Như Quỳnh bày tỏ, trước đây em chưa dành nhiều thời gian đầu tư cho môn học này, nhưng khi được học với cô Thanh Nhung, cô đã “hô biến” những kiến thức khô khan trong sách giáo khoa trở nên sinh động, gần gũi, chạm đến trái tim học trò. Từ chỗ yêu thích môn học, Như Quỳnh và nhiều bạn trong lớp bắt đầu tìm đọc thêm các tác phẩm văn học, dành nhiều thời gian để tìm hiểu, phân tích về đặc điểm, tính cách của các nhân vật.
Chia sẻ với chúng tôi, cô Phạm Thị Thanh Nhung cho biết, những ngày đầu mới chập chững vào nghề, cô được tham gia một số tiết học có sử dụng máy chiếu với phần mềm công nghệ. Phương pháp dạy học với những hình ảnh trực quan sinh động đã thôi thúc cô giáo trẻ tìm hiểu.
Nhưng 4 năm ở trường sư phạm không được tiếp cận nhiều với công nghệ, mọi thứ còn quá mới mẻ nên cô giáo trẻ đã quyết định đăng ký khóa học về kỹ năng tin học bên ngoài. Trong quá trình công tác, cô Thanh Nhung chủ động học hỏi thêm từ đồng nghiệp, tự học qua mạng internet, tham gia thường xuyên các khóa bồi dưỡng do Phòng GD-ĐT huyện, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức.
Hơn 10 năm đứng lớp, hành trình chưa quá dài nhưng cũng đủ cho cô giáo trẻ thổi làn gió mới vào bộ môn ngữ văn. Cô Thanh Nhung cho biết, soạn một giáo án điện tử mất gấp 4 lần thời gian so với soạn giáo án giấy thông thường, chưa kể trường ở ngoại thành hạn chế về máy móc, thiết bị công nghệ.
Thêm vào đó, so với các môn học khác như toán, vật lý, hóa học, môn ngữ văn với đặc thù riêng nên không phải bài học nào cũng áp dụng được các hình thức đổi mới. Nhưng, “hạn chế không đồng nghĩa không làm được”, cô giáo trẻ đã khéo léo vận dụng nhiều phương pháp như lồng ghép hình ảnh, chèn phim tư liệu, vẽ sơ đồ tư duy, tổ chức dạy học theo chủ đề, giúp học sinh tiếp cận môn học một cách chủ động, đỡ nhàm chán.
Truyền lửa đam mê
Nhà ở Củ Chi, mỗi ngày vượt quãng đường hơn 20km hai lượt đi, về để dạy học, nhưng điều khiến cô Thanh Nhung vẫn bám trường, bám lớp chính là sự gần gũi, yêu thương của đồng nghiệp, ánh mắt háo hức và tràn đầy tin tưởng của học trò. Tự đánh giá về công việc mình đang theo đuổi, cô Thanh Nhung cho biết, trong bối cảnh xã hội hiện nay, giáo viên phải nhận thức được đổi mới là cần thiết.
Thời đại công nghệ thông tin phát triển, học sinh rất năng động, các em có nhiều điều kiện tìm hiểu kiến thức trên mạng. Vì vậy, nếu giáo viên khi lên lớp chỉ nói lại những kiến thức đã có trên mạng sẽ không còn động lực thu hút người học. Thay vào đó, để đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy, cô Thanh Nhung luôn giữ vững tinh thần ham học hỏi, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy.
“Dạy học bằng công nghệ thời gian đầu sẽ vất vả, nhưng làm nhiều thành quen, càng dạy thao tác sẽ càng thuần thục, tiết kiệm thời gian cho giáo viên”, cô Thanh Nhung cho biết.
Với tâm niệm học sinh thay đổi chỉ khi thầy, cô giáo chủ động thay đổi, cô giáo Phạm Thị Thanh Nhung, Khối trưởng khối 9 môn ngữ văn, Trường THCS Nguyễn An Khương cho rằng, giáo viên giỏi còn là người có khả năng truyền lửa, giúp đồng nghiệp và học trò của mình yêu thích sáng tạo, mạnh dạn áp dụng các phương pháp dạy và học mới, tìm thấy mối liên hệ giữa bài học và thực tiễn cuộc sống, qua đó giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh.
Nhận xét về cô giáo trẻ, thầy Lê Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn An Khương bày tỏ, điểm nổi bật ở cô giáo trẻ là sự nhanh nhẹn, tinh thần làm việc khoa học, luôn tận tình, chu đáo trong công việc.
Chia sẻ về kế hoạch dạy học trong năm học này, cô Thanh Nhung cho biết, đầu học kỳ 2 sẽ tổ chức cho toàn bộ học sinh khối 8 tham gia dự án “Giới thiệu về làng nghề truyền thống ở quê hương em”, trong đó áp dụng nhiều phương pháp dạy học mới như mở rộng không gian lớp học, cho học sinh đi tham quan, tìm hiểu thực tế, quay video clip ghi nhận tại các địa điểm danh lam thắng cảnh nổi tiếng, tích hợp môn ngữ văn với các môn học khác như lịch sử, địa lý…
Ngoài ra, cô giáo trẻ còn đang ấp ủ rất nhiều dự định nhằm hiện thực hóa mục tiêu “Dạy văn là dạy người”, truyền đạt không chỉ kiến thức mà còn giáo dục kỹ năng, phẩm chất cho học sinh.
Nhiều năm liền được Thành đoàn TPHCM trao tặng danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp TP”; được UBND TP tặng bằng khen vì thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều năm liền; năm 2019, cô Phạm Thị Thanh Nhung được bình chọn là 1 trong 50 nhà giáo tiêu biểu được nhận giải thưởng Võ Trường Toản, giải thưởng do Sở GD-ĐT TP phối hợp với Báo SGGP tổ chức. |