INF là thỏa thuận kiểm soát vũ khí đầu tiên và duy nhất đến nay loại bỏ hoàn toàn một loạt vũ khí hạt nhân, khi yêu cầu 2 cường quốc Nga và Mỹ thủ tiêu các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất có tầm bắn 500 - 5.500km, nhất là loại tên lửa tầm trung có thể thực hiện đòn tấn công hạt nhân mang tính hủy diệt. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, 2 nước liên tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm INF, đồng thời cũng nhiều lần đe dọa rút khỏi hiệp ước này, dù phần lớn là để gây sức ép. Việc Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) liên tục mở rộng sự hiện diện quân sự về phía Đông sát biên giới Nga được Moscow coi là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng. Trong khi đó, Mỹ cũng nghi ngờ Nga phát triển các loại vũ khí vượt qua các hạn chế theo quy định của INF.
Mặc dù việc đạt được INF từng được đánh giá là thành công lớn nhất về kiểm soát vũ khí của thời kỳ chiến tranh lạnh, được xem như “tấm khiên” bảo đảm an ninh và ổn định ở châu Âu nhưng Mỹ cho rằng INF phần nào hạn chế khả năng của Washington trong việc đối phó với những nguy cơ từ các quốc gia “đối thủ địa chính trị” sở hữu tên lửa tầm ngắn và tầm trung (ám chỉ Trung Quốc). Một mặt tố cáo Nga vi phạm thỏa thuận, Mỹ, mặt khác muốn tự do phát triển và sản xuất các loại tên lửa tầm trung mới mà không bị ràng buộc.
Đó cũng chính là lý do mà theo báo Pháp Le Monde, những lập luận của Mỹ có thể nghe xuôi tai nhưng một lần nữa nó cho thấy sự làm việc ngẫu hứng của ông Trump, đặc biệt là sự coi nhẹ các đồng minh. Chính quyền Mỹ đã không cố gắng đàm phán lại thỏa thuận, không mở nó cho các nước khác. Trong mắt ông Trump, các hiệp ước loại này không có ý nghĩa gì ngoài việc bó buộc kìm hãm lợi ích của Mỹ. Và có vẻ như Washington cũng sẽ không làm gì cả để tránh nguy cơ ảnh hưởng tới Hiệp ước hạn chế và cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới sẽ hết hiệu lực năm 2021.
Cái chết chính thức của INF sẽ không dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang trên lục địa già, cũng không phải là đợt triển khai ồ ạt các tên lửa tầm trung. Sự kết thúc của hiệp ước này được giới chuyên gia coi là hậu quả chứ không phải nguyên nhân bởi sự phổ biến các hệ thống, công nghệ và chương trình tên lửa tấn công cũng như phòng thủ sẽ ngày càng có vai trò quan trọng trong những năm tới, đặc biệt là khi các quốc gia đã đạt được nhiều bước tiến lớn. Đồng thời điều này cũng sẽ dẫn đến nhiều rủi ro gây rạn nứt nội bộ NATO.
Một thế giới không có vũ khí hạt nhân là điều khó có thể trở thành hiện thực. Điều quan trọng nhất hiện nay là các nước châu Âu - bên được hưởng lợi chính từ INF - cần ý thức rõ việc họ sẽ phải gánh nhiều trách nhiệm hơn cho an ninh của chính mình; giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống chống tên lửa của Mỹ và phải trở thành người thực hiện thay vì tiếp tục giữ vai trò làm khán giả như thời của INF. Bên cạnh đó, Washington cần thông báo kịp thời cho các đồng minh châu Âu về các bước đi mà họ sẽ tiến hành để tránh xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang mới, giúp thúc đẩy an ninh để bảo vệ các đồng minh trước những rủi ro thời hậu INF.