Ngày 18-11, tại Hội nghị Đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống văn phòng đăng ký đất đai năm 2022 do Bộ TN-MT tổ chức, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân cho biết, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, đến nay, cả nước đã có 60/63 tỉnh, thành phố thành lập văn phòng đăng ký đất đai.
Việc thành lập văn phòng đăng ký đất đai đã giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành quản lý đất đai, thực hiện mạnh mẽ việc cải cách hành chính, ngày càng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Thời gian giải quyết thủ tục đã được rút ngắn đáng kể từ 15 - 45% so với trước đây; số ngày giải quyết hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất là cá nhân, hộ gia đình từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc; quy trình cung cấp dịch vụ minh bạch hơn, qua đó cải thiện sự tham gia và phản hồi tích cực từ các bên liên quan.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình tổ chức, hoạt động hiện nay của hệ thống văn phòng đăng ký đất đai vẫn còn một số hạn chế.
Trình bày báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Ngô Hiếu, Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai phản ánh, hiện văn phòng và các chi nhánh chưa được giao đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thực hiện tất cả các công việc mang tính dịch vụ công liên quan đến đăng ký đất đai, cấp GCNQSDĐ (công việc phục vụ cho quản lý Nhà nước hoặc cho nhu cầu của người sử dụng đất); gây khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng đến chất lượng công việc, kéo dài thời gian và tăng thêm chi chí thực hiện và làm cho tính chuyên nghiệp của hệ thống cơ quan đăng ký đất đai chưa được phát huy triệt để.
Nhân lực của hệ thống văn phòng ở phần lớn các địa phương còn rất thiếu về số lượng và nhiều cán bộ chuyên môn còn yếu năng lực, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Một bất cập đáng kể khác là theo quy định hiện hành, các chi nhánh văn phòng không phải là một tổ chức pháp nhân độc lập, mà là đơn vị trực thuộc văn phòng; hoạt động theo cơ chế phụ thuộc (chịu sự quản lý chung về nhân lực, tài chính, tài sản của văn phòng). Tuy nhiên, chi nhánh văn phòng lại được giao một số thẩm quyền, nhiệm vụ và chịu trách nhiệm độc lập so với văn phòng (thực hiện các thủ tục đăng ký đất đai, xác nhận thay đổi vào GCNQSDĐ, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai đối với các trường hợp của hộ gia đình, cá nhân)…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về cơ cấu tổ chức, cơ sở làm việc, việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt công tác đăng ký đất đai, cấp GCNQSDĐ; đo đạc, lập bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho hoạt động của các văn phòng đăng ký đất đai, qua đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ kho khăn, vướng mắc… để hoàn thiện tổ chức, hoạt động của hệ thống này.