Thời gian thu phí trạm BOT Cai Lậy có thể kéo dài hơn 12 năm

Chiều 17-8, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã chủ trì buổi họp báo và trả lời hàng hoạt câu hỏi xoay quanh trạm thu giá dịch vụ đường bộ Cai Lậy, Tiền Giang.
Thời gian thu phí trạm BOT Cai Lậy có thể kéo dài hơn 12 năm

Cuộc họp diễn ra sau sự việc hàng trăm lái xe phản đối việc thu phí bằng cách sử dụng tiền lẻ trả phí và ngày 16-8, các bên liên quan đã nhượng bộ bằng cách giảm khoảng 30% mức phí nhưng vẫn chưa được người dân đồng thuận.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông  chủ trì buổi họp báo 
* Về câu hỏi vì sao đặt trạm thu phí Cai Lậy như hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Đông khẳng định vị trí của trạm hoàn toàn nằm trong phạm vi dự án, được sự đồng thuận của địa phương và các bộ, ngành liên quan, nhằm đáp ứng phương án thu hồi vốn cho Nhà đầu tư. Do mục tiêu của đầu tư BOT là để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước nên trong bối cảnh hiện tại, Nhà nước không thể bỏ tiền mua lại trạm được.

* Về câu hỏi vì sao việc nâng cấp, sửa chữa sử dụng phương thức BOT mà không sử dụng quỹ Bảo trì đường bộ, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, quỹ Bảo trì đường bộ chỉ là vá đường, sửa chữa đơn giản, chứ không thể cải tạo nâng cấp được. Luật Đầu tư và Nghị định 108 cho phép huy động vốn BOT để nâng cấp cải tạo mặt đường, các cầu và hệ thống thoát nước.

* Về so sánh giữa giá dịch vụ trạm Cai Lậy cao hơn nhiều so với giá dịch vụ của đường cao tốc Trung Lương trong khi quãng đường ngắn hơn, chất lượng đường Trung Lương tốt hơn, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông giải thích, có 2 phương thức thu phí khác nhau và nguồn vốn đầu tư cũng khác nhau. Cao tốc Trung Lương sử dụng vốn ngân sách và không giới hạn thời gian bao lâu, với mức 1.000 đồng/km, thu theo hình thức thu phí kín. Đây là phương pháp hiện đại, đảm bảo công bằng nhất. Trong khi đó, BOT Cai Lậy thu phí theo lượt, đảm bảo thời gian hoàn vốn, thời gian thu phí và hài hoà lợi ích các bên.

* Về việc giảm mức thu sẽ kéo dài thời gian thu của dự án này bao lâu,
ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng ban Quản lý các dự án đối tác công tư PPP (Bộ GTVT) cho biết, việc giảm mức phí ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án, liên quan đến thời gian hoàn vốn, lãi suất ngân hàng… vì thế cần được tính toán một cách kỹ lưỡng cùng với nhiều yếu tố khác, ước chừng thời gian thu phí dự án này có thể sẽ kéo dài từ  6 năm 5 tháng thành 12-14 năm.

Trả lời về việc nếu người dân tiếp tục phản ứng bằng cách trả tiền lẻ thì Bộ GTVT xử lý ra sao, Thứ trưởng cho biết sẽ phối hợp với địa phương và các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại họp báo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận Bộ GTVT chưa lường hết được những vấn đề bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện phương thức đầu tư BOT, bị động trong nhiều tình huống người dân không đồng thuận khi dự án đưa vào hoạt động và tiến hành thu phí. 


Từ thực tế này, Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan đang tích cực rà soát, quyết toán dự án, lưu lượng phương tiện để điều chỉnh tổng mức đầu tư từ đó điều chỉnh lại mức phí và thời gian thu phí của hàng loạt dự án. Vấn đề quan trọng hơn là, các cơ quan liên quan đang nỗ lực xây dựng một hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho phương thức đầu tư BOT, xây dựng các cơ chế tài chính cho dự án, xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả, đảm bảo công khai minh bạch.

Với các bất cập trong huy động vốn BOT như hiện nay, ông Đông cũng tỏ ý lo ngại về việc huy động vốn cho các dự án giao thông trong thời gian tới.  Đặc biệt  là tìm nguồn vốn cải tạo nâng cấp các tuyến đường hiện hữu đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Trong năm 2017, Bộ GTVT chỉ được ngân sách cấp 39.000 tỷ đồng cho các dự án giao thông, đạt khoảng 30% nhu cầu thực tế.
Thời gian thu phí trạm BOT Cai Lậy có thể kéo dài hơn 12 năm ảnh 2 Infographics: HỮU VI - HỒNG VÂN

Tin cùng chuyên mục