Giá đất tăng khủng
Ngày 5-3, Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận về việc triển khai thi công dự án Cảng hàng không Phan Thiết (sân bay Phan Thiết). Trong đó, ngoài việc thông báo Thủ tướng đồng ý cho sử dụng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để xây dựng sân bay Phan Thiết (phần thuộc quân sự), Thượng tướng Trần Đơn cũng đề nghị địa phương hối thúc nhà đầu tư BOT chuẩn bị các điều kiện, thủ tục để thi công dự án trong tháng 3 này.
Ngay sau khi có thông tin dự án sân bay Phan Thiết sắp được khởi công, dân “đầu cơ” BĐS từ khắp nơi kéo về xã Thiện Nghiệp để trao đổi, giao dịch mua bán đất. Tại nhiều quán cà phê, trục đường dẫn vào dự án sân bay, lượng người kéo về đông như hội; ô tô mang biển số Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Khánh Hòa… đậu kín đường. Trên những thửa đất được cho là nằm gần sân bay sắp hình thành trong tương lai, mặc cho trời nắng đổ lửa, đội ngũ “cò” đất vẫn nhiệt tình, hối hả giới thiệu cho khách hàng những lô đất “tiềm năng”.
Đến đợt “sốt” đất này, chỉ trong vài ngày, giá đất khu vực được “thổi” lên con số không tưởng. Một sào đất mặt tiền đường Trần Bình Trọng năm 2019 giá khoảng 2,8 tỷ đồng, nay đã tăng lên gần 6 tỷ đồng. Đặc biệt, khu vực đất mặt tiền tỉnh lộ 715 (đoạn qua xã Thiện Nghiệp) đã tăng từ 3,2 tỷ lên 5,5 tỷ đồng/sào. Còn tại những vị trí xa dự án sân bay, những lô đất nằm trong hẻm hiện cũng đã tăng gấp 2 - 3 lần so với năm 2019, trung bình khoảng 2,5 tỷ đồng/sào.
Coi chừng mắc bẫy
Đại diện chính quyền xã Thiện Nghiệp thừa nhận, hiện đất của người dân quanh dự án sân bay Phan Thiết hầu như còn rất ít. Bà con đã bán hết cho các nhà đầu tư từ những đợt sốt đất lần trước. Trong khi đó, những người môi giới BĐS tại địa phương cho biết, việc có thông tin sân bay Phan Thiết sắp khởi công là điều kiện thuận lợi để những nhà đầu cơ lỡ mua quá nhiều đất trước đó có thể bán, thu hồi vốn, kiếm lãi...
“Đất Thiện Nghiệp bây giờ hầu hết nằm trong tay của người từ tỉnh thành khác. Những năm trước, nhiều nhà đầu tư chủ yếu ở các tỉnh thành phía Bắc và TPHCM gom rất nhiều đất ở đây, nhưng sau đó không bán được vì sân bay chưa triển khai. Đợt này họ về đây tìm cách bán. Giá một lô đất có thể tới vài tỷ đồng, nhưng nếu có người mua, họ sẵn sàng nhận cọc chỉ 100 - 200 triệu đồng. Người mua lại chính là những “cò” đất - đặt cọc ít để tìm cách bán lại cho người khác kiếm lời. Nếu không bán được, xem như mất ít, trong khi chủ đất cũng được tiền cọc để gỡ chút vốn”, anh Đ.V.Q. (một người môi giới BĐS lâu năm tại Bình Thuận) tiết lộ.
Một “cò” đất tại địa phương tên Minh lại khẳng định, dịp này những người môi giới BĐS về đây giao dịch không phải là người địa phương, khi họ và những “nhà đầu cơ” là một. “Đội ngũ này còn tạo hàng loạt giao dịch ảo giữa “cò” với “cò” để tạo hiệu ứng sốt đất. Những dịp sốt đất chỉ diễn ra thời gian rất ngắn nên họ phải tranh thủ, tạo mọi cách để đẩy được giá đất cao lên. Sau đó, cả nhà đầu tư và người môi giới sẽ rút; chắc chắn người mua sau cùng gánh đủ”, anh Minh cho biết.
Trong khi đó, chính quyền xã Thiện Nghiệp cũng đang rất lo lắng về tình trạng giá đất tăng cao bất thường này. “Chúng tôi đang lo việc người dân nếu không tỉnh táo sẽ rất dễ mắc bẫy của “cò” đất. Hiện tại, việc phân lô, tách thửa tại địa phương vẫn đang phải tạm dừng, trừ những trường hợp đặc biệt. Nếu người dân trong xã chưa nắm bắt được quy định này, không may nhận tiền cọc của người mua đất, sau đó không tách thửa được như trong hợp đồng thì hậu quả sẽ rất lớn, người bán sẽ phải đền cọc gấp 2 - 3 lần. Năm 2019, đã có nhiều trường hợp người dân khóc ròng khi phải đền tiền cọc cho người mua, vì không nắm được quy định”, một vị lãnh đạo xã Thiện Nghiệp lo lắng.
Ông Đỗ Ngọc Hòa, Chủ tịch UBND xã Thiện Nghiệp, cho biết, hiện trên địa bàn không có bất cứ dự án phân lô bán nền nào được cấp phép. UBND xã đã có thông báo công khai và đề nghị người dân địa phương hết sức cảnh giác, không mua bán, chuyển nhượng đất đai bất hợp pháp, tránh bị lừa đảo.
Trước tình hình phức tạp này, Chủ tịch UBND TP Phan Thiết đã yêu cầu UBND xã Thiện Nghiệp tăng cường công tác quản lý trên lĩnh vực đất đai; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm đất công, mua bán, chuyển nhượng đất trái quy định; kiểm tra, tháo dỡ các bảng rao bán, chuyển nhượng đất, kinh doanh BĐS không đúng quy định…