Cuối phiên họp chiều 3-11 của Quốc hội về dự án Luật Quản lý nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình thêm với Quốc hội về đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trước tình hình nợ công tăng cao, tiến tới gần giới hạn Quốc hội cho phép, Bộ Tài chính được giao chủ trì soạn thảo, hoàn thiện dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) theo hướng bổ sung vào dự án Luật hệ thống các công cụ quản lý nợ công (QLNC) bền vững như chỉ tiêu an toàn nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, kế hoạch vay trả nợ công 5 năm, chương trình quản lý nợ trung hạn 3 năm (gồm năm hiện hành, năm kế hoạch, năm tiếp theo).
Vẫn theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thực tế không có chuyện chúng ta đi vay thương mại về cho vay lại. Bộ trưởng cho biết: “Thực tế thời gian qua, chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ về một loạt khoản vay của WB, ADB. Chúng ta đã “tốt nghiệp” IDA, nên có nhiều khoản vay, dự án, sau khi tính toán, chúng tôi đã báo cáo Chính phủ không vay nữa. Lý do một là lãi suất quá cao, 5 - 7%/năm, nếu tính bình quân (bao gồm cả trượt giá), cao hơn vốn vay trong nước. Hai là, những hiệp định này, chuẩn bị đàm phán thì nằm ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn mà Quốc hội thông qua”.
Khẳng định nhu cầu đầu tư là rất lớn, nhưng nếu vay vượt định mức 300.000 tỷ đồng là toàn bộ chỉ tiêu vĩ mô về bội chi, nợ công có nguy cơ vỡ kế hoạch. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định, đây là thời điểm chúng ta có quyền lựa chọn giữa vay và không vay cũng như lựa chọn các khoản vay phù hợp, vấn đề là lợi ích, là sử dụng các khoản vay có hiệu quả hay không?
Về điều kiện cho vay lại, Bộ Tài chính đưa ra hai trường hợp. Các chương trình dự án, sẽ do Ngân hàng Chính sách thực hiện, ngân hàng không phải chịu rủi ro. Các dự án sản xuất kinh doanh sẽ ngân hàng thương mại thực hiện, rủi ro sẽ do ngân hàng phải gánh chịu.