Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (NĐ 100) trong một tuần qua đã có tác dụng rõ rệt. Số lượng người uống bia, rượu tham gia giao thông giảm đáng kể.
Nhiều trường hợp vi phạm khi bị phạt đã “choáng váng” với mức phạt cao và không dám tái phạm. Trao đổi với PV Báo SGGP vào chiều 7-1, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và điều tra tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), cho hay, trong 1 tuần qua, cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 2.673 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Một số địa phương có kết quả xử lý cao như: Tây Ninh, Bắc Giang, Đắk Lắk, TP Hà Nội, TPHCM…
Tác dụng mạnh từ Nghị định 100
Mặc dù tác hại của chuyện uống rượu bia ai cũng biết, thế nhưng nhiều năm qua, nhậu nhẹt đã tràn lan, từ già tới trẻ, từ nam tới nữ, từ thành thị đến nông thôn, trở thành vấn nạn. Qua một tuần Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và NĐ 100 có hiệu lực, có thể thấy hành vi nhậu nhẹt say sưa đã giảm rõ rệt. Trên bàn nhậu, không còn nghe tiếng dân nhậu la ó “Zô 100%” nữa, mà nghe nhắc nhiều đến chuyện phạt nặng từ NĐ 100. “Bây giờ đi nhậu mà bị CSGT đo nồng độ cồn, phạt nặng thì xem như tiêu. Chỉ còn cách bỏ đi nhậu thôi”, một dân nhậu nói.
Ngày 5-1, PV Báo SGGP chứng kiến một đám cưới tổ chức tại khu 4, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, trên bàn rượu, bia đã được thay bằng phần lớn là nước ngọt. Chủ trì đám cưới, ông Nguyễn Văn Năm cho biết, không dám mua nhiều rượu để giữ cho khách an toàn khi trở về, nhưng một số mâm người cao tuổi vẫn phải bố trí chai rượu, nhưng ít hơn thường lệ, để các cụ nhâm nhi. “Khi nào không xác định đi đâu bằng xe máy thì uống, còn không cũng sợ, nhỡ ra đường bị thổi là đi tong vài triệu đồng”, Đỗ Văn Hòa, một thanh niên dự đám cưới, nói với chúng tôi.
Lực lượng CSGT Đà Nẵng kiểm tra nồng độ cồn của lái xe xuyên đêm. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, không ít trường hợp khi bị kiểm tra phát hiện nồng độ cồn đã đưa ra nhiều lý do để xin bỏ qua, nhưng các tổ công tác vẫn kiên quyết lập biên bản xử lý. Mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn tăng khá cao so với trước nên đảm bảo mức răn đe. Nhiều người bị phạt đã “choáng váng” với mức phạt cao và cho biết, đây chính là lý do để không tái phạm.
Chiều 7-1, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với tài xế (chưa rõ danh tính) xe Lexus biển kiểm soát 61A -400... về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt theo NĐ 100. Trước đó, ngày 1-1, CSGT Công an tỉnh Bình Dương ra quân tuần tra trên các tuyến đường trung tâm TP Thủ Dầu Một thì phát hiện một tài xế có biểu hiện bất thường nên dừng phương tiện kiểm tra và phát hiện nồng độ cồn trong hơi thở khá cao, thuộc khung hình phạt cao nhất của nghị định này nên đã lập biên bản xử phạt 35 triệu đồng, tạm giữ phương tiện và tước giấy phép lái xe trong thời hạn 24 tháng. Hiện chiếc xe này vẫn đang được tạm giữ tại kho chứa phương tiện vi phạm của CSGT Bình Dương.
Tối 4-1, tổ tuần tra kiểm soát CSGT Công an thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) làm nhiệm vụ lập chốt kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn thì phát hiện một người đàn ông đi xe đạp có dấu hiệu sử dụng bia rượu nên dừng kiểm tra. Kết quả nồng độ cồn trong hơi thở của người này ở mức 0,667mg/lít khí thở. Qua xác minh, người này tên là X.A. (quốc tịch nước ngoài, đang làm việc ở Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh). Tổ công tác đã lập biên bản xử phạt hành chính 500.000 đồng và tạm giữ phương tiện. Hiện ông X.A. vẫn chưa đến thực hiện việc chấp hành xử phạt.
Tuy nhiên, theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, tình trạng người điều khiển phương tiện không hợp tác, không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn; có hành động, thái độ chống lại cán bộ, chiến sĩ thi hành nhiệm vụ còn diễn ra tại một số địa phương.
Quán nhậu đìu hiu
Ghi nhận của nhóm PV Báo SGGP, qua một tuần áp dụng xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn theo quy định mới của NĐ 100, hầu hết các nhà hàng, quán nhậu đều giảm khách đáng kể. Ông Trương Mạnh Trung, quản lý nhà hàng Vọng Các (phường 2, quận 8, TPHCM), cho hay, trước đây trung bình mỗi ngày nhà hàng đón khoảng 1.300 - 1.500 lượt khách, nay chỉ còn khoảng 800 - 900 khách/ngày, dù đang là thời điểm cuối năm. Còn ở nhà hàng Bình Xuyên (huyện Bình Chánh, TPHCM), ông Cảnh, Đội trưởng Đội bảo vệ nhà hàng nói, nếu như trước đây bãi xe của nhà hàng luôn trong tình trạng quá tải thì những ngày qua thật trống trải, giảm hơn 1/2. Rất nhiều khách đến quán bằng taxi hoặc xe ôm công nghệ.
Một quán nhậu vỉa hè ở quận 5, TPHCM đìu hiu sau khi NĐ 100 có hiệu lực. Ảnh: KHẮC HÀO
Tại tỉnh Bình Phước, khảo sát một số quán nhậu trên các trục đường chính như quốc lộ 14, đường Hùng Vương, vành đai Suối Cam (TP Đồng Xoài), nhiều quán vắng hoe. Chủ quán M.T. (đường vành đai suối Cam, phường Tân Phú), cho biết, lượng khách giảm chỉ còn 1/3 so với trước ngày 1-1, nên việc kinh doanh đang gặp một số khó khăn. Cũng tại khu vực vành đai suối Cam, nhiều quán nhậu vỉa hè cũng không còn xôm tụ đến tận 2 - 3 giờ sáng. Anh T., chủ một quán ốc đêm, nói: “Mấy ngày gần đây, khách quen không còn đến thường xuyên mà chủ yếu là mua đồ về nhà nhậu”.
Tại Cà Mau, các nhà hàng, quán nhậu trên các tuyến đường Ngô Quyền, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Tất Thành… lượng khách khá vắng vẻ. Có lẽ vì những quán này nằm trên các tuyến đường mà CSGT thường xuyên tuần tra. Các nhà hàng, quán nhậu ở trung tâm nội ô cũng giảm lượng khách.
Trên các tuyến đường trung tâm TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), nhiều quán nhậu đã phải đóng cửa buổi trưa vì vắng khách. Tại TP Quy Nhơn, các “con đường bia rượu”, khu ăn nhậu có tiếng đã bắt đầu đi vào nền nếp. Chủ quán nhậu bê thui N.P. (đường Nguyễn Thị Định, TP Quy Nhơn) nói: “Triển khai NĐ 100, lực lượng chức năng kiểm soát lái xe sử dụng rượu bia gắt quá nên hàng quán cũng ế ẩm. Trước năm 2020, mỗi đêm quán tôi bán hết 15 - 20 thùng bia, nhưng mấy đêm qua chỉ bán được 1 - 2 thùng, doanh thu sụt mạnh”.
Trong khi đó, ghi nhận của nhóm PV tại nội thành Hà Nội, nhiều quán nhậu, quán bia hơi hàng ngày vốn đông đúc đến mức chật chội, nay vắng hoe. Nhiều chủ quán than thở, việc làm ăn buôn bán giảm, giá thuê mặt bằng lại rất cao nên đành treo bảng sang nhượng, hoặc chuyển nghề. Một số chủ quán cũng đang tính đến phương thức giao bia, mồi đến tận nhà cho khách.
Trước tình hình này, không ít nhà hàng, quán nhậu hỗ trợ khách bằng nhiều biện pháp như hỗ trợ khách gửi xe qua đêm, có sẵn một đội tài xế chuyên biệt chở khách, hay liên kết với các đơn vị cung cấp dịch vụ đặt xe để hỗ trợ khách di chuyển, chở khách đến quán, hỗ trợ tiền taxi trên hóa đơn cho khách… Chị Nguyễn T.Đ.T. (chủ một nhà hàng trên đường Lê Duẩn, TP Hà Tĩnh) cho biết, nhà hàng cho ra dịch vụ “Bạn uống - Tôi lái”, bổ sung thêm 2 - 5 xe máy, thuê thêm lao động thời vụ và hợp tác với các hãng taxi để hỗ trợ đưa đón miễn phí khách về nhà trong vòng bán kính 5km, hỗ trợ một phần kinh phí đối với khách ở xa trên 5km.
Tại TPHCM, nhiều quán sẵn sàng gọi taxi, xe ôm chở khách về tận nhà, xe có thể gửi qua đêm không thu phí. Nắm bắt được nhu cầu đi lại rất lớn của khách nên những ngày qua, đội ngũ xe ôm, taxi thường xuyên ứng trực trước các nhà hàng lớn để đưa đón khách. Có thời điểm, lượng xe không đáp ứng đủ, nhiều khách phải chờ đợi mỏi mòn mới bắt được xe.
Không có “thần dược” giải rượu nào được cấp phép lưu hành
Ngày 7-1, phản ứng trước thông tin về việc một số sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng, kẹo... rao bán trên mạng được quảng cáo có tác dụng giải rượu bia, chống say, hết nồng độ cồn trong máu sau khi uống rượu, bia, đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) khẳng định, hiện nay, cơ quan chức năng Việt Nam chưa cấp phép lưu hành cho bất kỳ loại dược phẩm nào có công dụng giải rượu thần tốc hay “thổi bay nồng độ cồn” như quảng cáo trên mạng.
Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều quảng cáo về các sản phẩm giải rượu, bia, chống say, đẩy lùi nồng độ cồn; trong đó sản phẩm “kẹo giải rượu” Hàn Quốc được rao là có tác dụng thần kỳ, giúp người uống rượu bia tham gia giao thông “thoát kiểm tra nồng độ cồn”.
Đại diện Cục Quản lý dược cho biết, hiện chỉ có một số thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ quá trình chuyển hóa, làm tăng việc đào thải qua gan, giảm hấp thu rượu chứ không thể làm hết nồng độ cồn trong máu cũng như hơi thở. Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, chưa sản phẩm chức năng nào được cấp phép lưu hành tại Việt Nam có công dụng đưa nồng độ cồn trong cơ thể về 0 sau khi uống rượu, bia.
PSG-TS Trần Nhân Thắng, Trưởng Khoa Dược (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết, chắc chắn không có loại thuốc hay sản phẩm chức năng nào có tác dụng “thổi bay” được nồng độ cồn trong chốc lát. Thực tế có một số thuốc gây cảm ứng enzym gan, giúp gan tăng cường chuyển hóa, đào thải rượu. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ được dùng trong cấp cứu y khoa (nghiện rượu, ngộ độc rượu) với sự chỉ định của bác sĩ. Quá trình sử dụng thuốc phải được theo dõi chặt chẽ tại cơ sở y tế, vì có thể gây ra phản ứng nguy hại cho sức khỏe.