Xu hướng kết nối
Với xu hướng phát triển của công nghệ, các hãng xe đã và đang chạy đua để đưa ra thị trường những chiếc xe tối ưu, tích hợp đa năng nhất. Đây được xem là xu hướng chủ đạo trong bối cảnh sản xuất ô tô hiện nay. Chia sẻ về lĩnh vực này, ông Nguyễn Nam Khang, Bộ Quản lý sản phẩm Mercedes-Benz Việt Nam, nhìn nhận ô tô trong tương lai gần sẽ mang các yếu tố Conected (sự kết nối), Autonomous (tự hành) Share and Sevices (chia sẻ tiện ích) và Electric (xe chạy điện). Sự kết nối trong ngành công nghiệp ô tô là quá trình áp dụng công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, nghiên cứu và vận hành. “Điều này mang lại năng suất lao động tốt hơn, sản xuất chính xác hơn, kỹ thuật nâng cao hơn và sản phẩm tạo ra thông minh hơn, an toàn hơn”, ông Khang nói.
Điển hình tại Mercedes-Benz Việt Nam hiện đang nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm xe thông minh, áp dụng công nghệ tân tiến và sử dụng năng lượng điện cho xe du lịch, xe chở khách và cả xe tải. Đồng thời, cũng hoàn thiện các nghiên cứu về những yếu tố kết nối vận hành trong xu hướng xe tương lai như các thiết bị kết nối, trạm sạc, các công nghệ thông minh, tự hành trên xe... Xu hướng chủ đạo mà các nhà sản xuất ô tô đã và đang nhìn nhận dựa trên sự phát triển của công nghệ với cuộc sống. Đến lúc nào đó, những chiếc xe hơi sẽ có thể “trò chuyện” với nhau, kết nối với các hệ thống công cộng khác và trở thành những “người bạn” thân thiết với con người. Tương tự, ông Nguyễn Thanh Đàm, Chủ tịch Tập đoàn Công ty Dịch vụ kỹ thuật ô tô Việt Nam (VAST Group), cho biết tương lai công nghệ ô tô trong thời đại công nghiệp 4.0 sẽ là sự kết nối. Cụ thể, ngành công nghiệp ô tô sẽ đi theo 3 xu hướng tất yếu gồm công nghệ thiết kế, chế tạo và sản xuất phần cứng phù hợp với thời đại mới; công nghệ phần mềm điều khiển thông minh và sử dụng trí tuệ nhân tạo; công nghệ kết nối và giao tiếp. Cả 3 hướng phát triển đều phục vụ cho mục đích duy nhất, đó là biến chiếc xe hơi từ phương tiện chuyên chở đơn thuần trở thành “người bạn” thông minh và có khả năng giao tiếp, kết nối với vạn vật xung quanh.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Chủ tịch iBosses Việt Nam, mô phỏng chiếc xe thông minh là người lái có thể chọn điểm đến, xe sẽ chạy theo con đường thông minh nhất do phần mềm IT điều khiển bằng GPS với tốc độ 40km/giờ…
Việt Nam còn nhiều dư địa
Trong xu thế hội nhập, Việt Nam đã có những giải pháp chiến lược dài hạn cho công nghiệp ô tô, tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Với việc triển khai đồng bộ các chính sách, đến nay ngành ô tô đã bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ. Để không bỏ lỡ thời cơ và quyết tâm thúc đẩy phát triển mảng công nghệ ô tô, tại Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và bước đầu có những kết quả nhất định. Từ 2016, FPT đã thành lập một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực này với quy mô 700 người. Giữa tháng 7-2017, những ứng dụng công nghệ mới nhất về xử lý hình ảnh, trí tuệ nhân tạo đã được FPT đưa vào thử nghiệm trên ô tô mô hình. Tháng 10-2017, ô tô thương mại đầu tiên tích hợp công nghệ xe tự hành do FPT nghiên cứu và phát triển đã được đưa vào chạy thử nghiệm trong khuôn viên của công ty. Ngoài ra, Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh VinFast hiện đang đầu tư, trang bị hàng ngàn robot tự động cho nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại TP Hải Phòng, dự kiến đi vào sản xuất thương mại năm 2019.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), cho hay việc nắm bắt kịp thời các thành quả của cộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể coi là chìa khóa, cơ hội để tạo bước phát triển mang tính đột phá cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô của Việt Nam. Nếu như trước đây, các yếu tố quyết định sự khác biệt của những chiếc xe là động cơ, hộp số, bộ dẫn động, vô lăng điều khiển và xăng dầu thì ngày nay, ô tô giống như một chiếc máy tính. Phần mềm và điện đã thay thế chức năng của các yếu tố cơ học, con người và nhiên liệu. Điều đó khiến ô tô không còn là cỗ máy 4 bánh thuần cơ khí mà được trang bị hàng loạt ứng dụng công nghệ giúp lái xe an toàn hơn, đem lại trải nghiệm mới cho người sử dụng. Từ thực tế đó, Cục Công nghiệp đã đề xuất lãnh đạo Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô cho phù hợp với xu thế mới - xu thế phát triển ngành công nghiệp ô tô trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó sẽ có những hỗ trợ thiết thực hơn cho các doanh nghiệp.
Ông Toru Kinoshita, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cũng cho rằng cùng với sự phát triển kinh tế, Việt Nam sẽ sớm bước vào giai đoạn xã hội hóa xe hơi với sự tăng trưởng nhanh chóng của phân khúc khách hàng cá nhân. Do đó, ngay từ bây giờ các nhà sản xuất ô tô cần phải chuẩn bị và sẵn sàng bằng việc nỗ lực đa dạng hóa dòng sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng.