Một thời vàng son…
Ngôi nhà nhỏ trong con hẻm trên đường Lê Đình Cẩn (quận Bình Tân, TPHCM) là nơi lưu giữ ký ức về những tháng ngày “ăn - ngủ cùng quyền Anh” của thầy Tào Đức Cơ, tay đấm nổi tiếng một thời, cũng là vị HLV lẫy lừng của thể thao quận 1 nói riêng và TPHCM nói chung. Người viết được nghe kể về lịch sử vàng son của bộ môn quyền Anh tại thành phố mang tên Bác và rồi nhận ra cái tình cái nghĩa với bộ môn gắn bó gần hết quãng đời của thầy.
Sau năm 1975, môn quyền Anh TPHCM với đặc thù riêng, dù chưa được hoạt động, các võ đường có tên tuổi trước đó như: Huỳnh Tiền, Minh Cảnh, Minh Sang, Kim Kê vẫn duy trì tập luyện nhưng chưa được thi đấu. Theo lời thầy Tào Đức Cơ, năm 1979, cố võ sư Nguyễn Hữu Tiết (Trưởng bộ môn Võ vật, quản lý các môn võ thuộc Phòng TDTT quận 1 lúc bấy giờ) bắt đầu xây dựng phong trào quyền Anh ở đơn vị và đến năm 1981, các võ đài phong trào được tổ chức tại một số địa điểm như công viên Tao Đàn, nhà thi đấu 143 Nguyễn Du… vào dịp lễ tết, được xem là những bước khởi đầu cho bộ môn này tái khởi động tại TPHCM.
Đến năm 1982, thành phố chính thức tổ chức giải vô địch quyền Anh đầu tiên tại nhà thi đấu Tinh Võ (quận 5). Thời điểm này, thành phố đã tổ chức lớp bồi dưỡng và đào tạo trọng tài, HLV với hơn 30 học viên là những võ sư, trọng tài, VĐV tham dự. Những võ sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ phải kể đến như: Phan Văn Sáu, Trần Hùng, Tào Đức Cơ, Nguyễn Phi Hùng, Lê Đình Duy…
“Nhớ lúc đó câu lạc bộ quyền Anh quận 1 có vài chục võ sinh theo tập luyện ở số 143 Nguyễn Du. Anh em vì đam mê mà cùng nhau tập luyện và xây dựng hoạt động phong trào. Ai có gì dùng nấy, chủ yếu tập bao cát và banh đấm chứ các trang thiết bị tập luyện còn đơn sơ lắm!”, thầy Tào Đức Cơ nhớ lại.
Sàn đấu quyền Anh TPHCM ngày nay. Ảnh: P.NGUYỄN |
Để rồi từ hoạt động CLB, những giải đấu dần được tổ chức đã kích thích tinh thần tập luyện của các võ sĩ. Thời điểm đó, cứ nghe tiếng “thượng đài” là oách lắm, bởi thế mà được bước lên võ đài luôn là mơ ước của những võ sĩ mới tập tành. Song, để được ra sân, họ cũng phải khổ luyện hơn cả năm.
Thầy Tào Đức Cơ kể: “Có 6 đòn thôi mà chúng tôi ai cũng trầy trật lắm mới tập thành. Luyện hơn cả năm mới dám ra thi đấu, nhưng cũng phải chạy ngược chạy xuôi tìm đồ trang bị, ra sân. Lúc đó, trang thiết bị hay dụng cụ nào cũng giá cao, thậm chí chẳng có sẵn mà phải đặt làm. Đó chính là những kỷ niệm đáng quý mà các lớp chúng tôi chẳng thể nào quên”.
Đến năm 1989, Ban chấp hành Hội quyền Anh TPHCM gồm 6 thành viên ra đời, đã định ra chương trình hoạt động của bộ môn. Công tác tổ chức, quản lý lúc này bài bản và khoa học hơn. Hội mở được nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ dành cho trọng tài, HLV, đồng thời tiến hành nhiều đợt kiểm tra, rà soát, tuyển chọn VĐV, hình thành đội tuyển tham dự các giải trong nước và quốc tế. Thời điểm này, TPHCM có những tay đấm giữ HCV nhiều năm như: Lê Hoài Bảo, Cao Trường Hải, Phan Văn Mười, Huỳnh Viết Khánh, Nguyễn An Tâm Khánh…
Giấc mơ chuyên nghiệp
Không phải võ sĩ quyền Anh lừng danh nào cũng sinh ra ở TPHCM, song đa phần đều lựa chọn mảnh đất này phát triển sự nghiệp. Những năm gần đây, bên cạnh các giải đấu nghiệp dư, các võ đài chuyên nghiệp ở TPHCM ngày càng rộn ràng hơn, định danh hàng loạt tên tuổi như: Trương Đình Hoàng, Trần Văn Thảo, Nguyễn Thị Thu Nhi…
Trận đấu tại giải quyền Anh toàn thành năm 1993 tại sân Tinh Võ, quận 5. Ảnh: NVCC |
Lý giải về sự thành công này, thầy Tào Đức Cơ cho rằng, TPHCM là mảnh đất luôn sẵn sàng tiếp nhận những xu hướng mới mẻ. Thêm vào đó, cơ sở vật chất đa dạng và trang thiết bị hiện đại, là nơi “đóng quân” của nhiều CLB quyền Anh chuyên nghiệp như Trigger Boxing, Cocky Buffalo, SSC, B7 Boxing… đã trở thành địa điểm tập huấn hoàn hảo cho nhiều tay đấm.
Điều này được minh chứng rõ nét ở trường hợp của võ sĩ Trương Đình Hoàng. Anh sở hữu CLB quyền Anh tại quê nhà Buôn Ma Thuột để tiếp sức đam mê với những ai “chịu đòn”, gắn bó cùng bộ môn rèn luyện sức khỏe này. Song tinh thần thi đấu trong anh vẫn luôn còn mãi. Đình Hoàng từng thừa nhận lựa chọn TPHCM làm nơi tập huấn trước mỗi giải đấu quan trọng vì ở đó có đội ngũ chuyên gia giỏi, trang thiết bị hiện đại và đầy đủ mọi điều kiện cần thiết giúp anh an tâm tập luyện.
Nhắc đến đấu trường chuyên nghiệp, Trần Văn Thảo được xem là gương mặt tiên phong làm rạng danh quyền Anh chuyên nghiệp tại TPHCM. Cuối năm 2017, Thảo hạ knockout võ sĩ George Lumoly (Indonesia), đoạt đai vô địch WBC châu Á hạng siêu ruồi (51-52kg); trở thành võ sĩ chuyên nghiệp đầu tiên của TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Cuối tháng 9-2022, TPHCM tiếp tục là nơi chứng kiến bước tiến mới của Trần Văn Thảo, khi trở thành võ sĩ nam đầu tiên của Việt Nam đoạt đai vô địch IBA thế giới. Anh nâng chuỗi thành tích nhà nghề của mình lên thành 15 trận thắng, 1 trận thua và bổ sung vào bộ sưu tập của mình chiếc đai vô địch danh giá.