Một nghiên cứu mới đây với chủ đề “Toàn cảnh ngành công nghệ thực phẩm ở Mỹ Latinh”, do Endeavour và Pepsico thực hiện, cho thấy, do đại dịch Covid-19, nhu cầu đối với dịch vụ giao hàng tạp hóa và đồ ăn trực tuyến đã tăng vọt. Brazil, Chile, Colombia và Mexico là những cái tên dẫn đầu trong lĩnh vực này.
Chỉ trong vòng 10 năm, ngành công nghệ thực phẩm - còn gọi là foodtech - đã tạo ra 29.000 việc làm trực tiếp và thu hút 1,7 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm tại các quốc gia nói trên. Riêng tại Mexico, nghiên cứu ghi nhận 68 doanh nghiệp (DN) foodtech đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Ở quốc gia này, các sản phẩm hữu cơ, tự nhiên hoặc tốt cho sức khỏe chiếm thị phần lớn nhất và tạo ra hơn 5.800 việc làm. Gần 50% DN đã tiếp cận các nguồn tài chính và huy động được 271 triệu USD vốn đầu tư trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay. Đáng chú ý, 21% DN Mexico đã mở rộng hoạt động tại thị trường quốc tế. Một báo cáo mới đây của nhà cung cấp dữ liệu Pitchbook cho thấy, chỉ tính riêng năm 2019 và 2020, thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Mỹ Latinh đã tăng hơn 30%, đạt gần 6,8 tỷ USD.
Trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm, các hạng mục hậu cần và quản lý dữ liệu, bán hàng, vận chuyển, phân phối có tỷ lệ startup mở rộng thành công và thuê nhân viên cao. Đây cũng là các DN đạt doanh số và tốc độ tăng trưởng hàng năm cao nhất. Trong số các dự án foodtech hoạt động dưới 10 năm, 24% đã mở rộng thành công và tạo ra từ 50 việc làm trực tiếp trở lên. Các DN trên chiếm 83% tổng số việc làm trong lĩnh vực trên.
Theo báo cáo của Pitchbook, nhà đầu tư đặc biệt chú ý hai xu hướng mới nổi ở lĩnh vực này. Thứ nhất là giao hàng cực nhanh. Khi nhu cầu nhận hàng nhanh của người tiêu dùng tăng lên, ngày càng nhiều công ty khởi nghiệp nổi lên và hứa hẹn giao hàng chỉ trong vài phút. Tất cả đều hy vọng sẽ trở thành GoPuff tiếp theo của thế giới - một dịch vụ giao hàng cực nhanh có trụ sở tại Mỹ đã huy động được 2,4 tỷ USD cho đến nay.
Thứ hai là “protein thay thế”, khi ngày càng nhiều người chuyển sang ưa chuộng đạm thực vật. Trong vài năm, thị trường protein thay thế (alt-protein) đã chuyển từ thị trường ngách sang phổ thông. Chỉ tính riêng đậu nành, đến năm 2025, giá trị ước tính của thị trường protein đậu nành hữu cơ ở Mỹ Latinh dự kiến sẽ tăng lên khoảng 120 triệu USD, tăng 140% so với 50 triệu USD vào năm 2020. Kết quả là, các công ty khởi nghiệp đang nổi cũng tập trung phát triển protein thay thế. Người tiêu dùng ngày nay coi trọng các yếu tố như thực phẩm sạch có nguồn gốc bền vững với mức giá phù hợp. Đây có thể là một thách thức đối với các công ty khởi nghiệp dựa trên thực vật để tìm nguồn cung cấp sản phẩm này.
Nhiều người tin rằng khi cuộc sống đang dần trở lại bình thường, xu hướng đầu tư cho lĩnh vực này sẽ chậm lại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, các thói quen đặt hàng của người tiêu dùng có thể đã thay đổi vĩnh viễn.
Nghiên cứu của Endeavour và Pepsico nhận định: “Công nghệ đang định hình lại các hệ thống thực phẩm trên toàn thế giới để đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng trong những thập niên tới, cũng như đáp ứng sở thích của người tiêu dùng thay đổi do đại dịch Covid-19”.