Nếu như Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Antonio Guterres cho rằng thế giới cần nền kinh tế toàn cầu tôn trọng luật quốc tế và một thế giới đa cực với các thể chế đa phương mạnh mẽ, thì Thủ tướng Đức Angela Merkel lưu ý, đây là giai đoạn của chủ nghĩa đa phương.
Bà Angela Merkel nhấn mạnh Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và thương mại quốc tế công bằng là nền tảng của hợp tác quốc tế, đồng thời đánh giá các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương tại châu Á là rất ấn tượng.
Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, trọng tâm của chủ nghĩa đa phương là giải quyết các vấn đề quốc tế thông qua tham vấn và tương lai thế giới sẽ được quyết định qua hợp tác quốc tế.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng đại dịch Covid-19 đang làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện tại và tình trạng mất cân bằng. Khi thế giới đối mặt với các thách thức toàn cầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cũng là thời điểm đặc biệt để xem xét lại các phương thức phát triển và cơ chế hợp tác quốc tế.
Đại dịch Covid-19 đã cho thấy tầm quan trọng của các thế chế đa phương trong việc thúc đẩy phối hợp, hợp tác và ứng phó chung. Quan ngại về chủ nghĩa dân tộc vaccine, Hàn Quốc đã kêu gọi thế giới thực hiện cách tiếp cận đa phương để đảm bảo phân phối công bằng và bình đẳng, sử dụng hợp lý vaccine và phương pháp điều trị Covid-19. Ở giai đoạn này, điều quan trọng là phải kết nối chủ nghĩa đa phương với khái niệm đoàn kết đa phương, với sự tham gia của các chính phủ, doanh nghiệp và người lao động.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chìm sâu trong khủng hoảng, căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang. Khi các thể chế quốc tế suy yếu, xung đột khu vực nhân rộng, hệ thống an ninh toàn cầu xuống cấp, thế giới chỉ có thể giải quyết các thách thức thông qua hành động đa phương, đối thoại và hợp tác quốc tế.
Vì vậy, dễ hiểu tại sao các nhà lãnh đạo cũng đề nghị các nước cần tôn trọng giá trị cốt lõi và nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa đa phương, thích ứng với bối cảnh quốc tế đang thay đổi và ứng phó với thách thức toàn cầu.