RCEP gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng 5 quốc gia có nền kinh tế xuất nhập khẩu tiềm năng lớn khác là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Thực hiện RCEP, các nước sẽ loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu trong 20 năm, thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ. Theo tính toán, RCEP là FTA đóng góp 32% GDP toàn cầu, tạo ra thị trường chiếm gần 30% dân số thế giới (khoảng 2,2 tỷ người).
Theo lộ trình cam kết, các nước tham gia RCEP sẽ xóa bỏ hàng rào thuế quan, tạo điều kiện để doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa bổ trợ lẫn nhau với chính sách được các quốc gia đánh giá là thông thoáng hơn hẳn các quy định trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam đã tham gia. RCEP cũng được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho thương nhân khi xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia nào đã ký kết thỏa thuận mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của quốc gia, giảm bớt đáng kể các thủ tục hải quan, kiểm dịch cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật. Theo Bộ Công thương, FTA này là cơ hội vàng để Việt Nam và các thành viên phát triển, phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, trong ngắn hạn, RCEP sẽ không tạo ra cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam vì, thị trường từ các thành viên RCEP chủ yếu là nhập khẩu nguyên vật liệu. Nhưng về trung hạn, dài hạn thì hiệp định này sẽ tạo ra một chuỗi cung ứng mới trong khu vực khi Việt Nam trở thành mắt xích trong chuỗi sản xuất, cung ứng cho thế giới. Nhờ vậy, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sẽ gia tăng và khi nằm trong mắt xích xuất khẩu, những khó khăn về rào cản thương mại sẽ ít rủi ro hơn.
RCEP thông thoáng hơn CPTPP và cơ hội để doanh nghiệp có thể “rèn luyện” trong cuộc chơi đơn giản trước khi tiến đến thị trường khắt khe khác mà Việt Nam đã tham gia trong CPTPP, EVFTA. Thông thoáng nhưng doanh nghiệp cũng đừng nghĩ rằng thị trường các đối tác RCEP dễ tính mà coi thường các điều kiện về quy chuẩn chất lượng hàng hóa xuất khẩu. Ví dụ như Trung Quốc, thực tế 2 năm gần đây, các tiêu chuẩn hàng hóa của Trung Quốc đã khác rất nhiều, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực nâng cao để đáp ứng và tiếp tục khai thác thị trường lớn này.