Thời cơ và thách thức với Đông Nam Á

Kể từ khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cắt giảm các chương trình của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), áp thuế đối với các đối tác thương mại lớn và đưa ra danh sách những yêu cầu để phần còn lại của thế giới tuân theo.

Hoạt động rà phá bom mìn ở Campuchia do USAID tài trợ đã ngừng lại. Ảnh: Phnom Penh Post
Hoạt động rà phá bom mìn ở Campuchia do USAID tài trợ đã ngừng lại. Ảnh: Phnom Penh Post

USAID và ASEAN ký Thỏa thuận hợp tác phát triển khu vực đầu tiên vào năm 2020, kéo dài 5 năm, trị giá 50 triệu USD để hỗ trợ giải quyết các thách thức khu vực, hội nhập kinh tế và pháp quyền. Việc USAID ngừng hoạt động sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực hợp tác với ASEAN như: chống nạn buôn người, tội phạm xuyên quốc gia; thúc đẩy hội nhập kinh tế; kết nối số; tăng cường quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai và ứng phó với dịch bệnh; chống buôn bán động vật hoang dã; thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới; thúc đẩy năng lượng tái tạo...

Ngoài ra, việc cắt giảm sâu tài trợ từ USAID đã dẫn đến việc đình chỉ hoặc cắt giảm nhiều chương trình nhắm vào hoạt động rà phá bom mìn, dịch vụ y tế cho người tị nạn và giáo dục, buộc các chính phủ trong khu vực phải tự bỏ tiền túi nếu muốn đáp ứng các nhu cầu nhân đạo đó. Ngay lập tức, việc đóng băng viện trợ nước ngoài từ USAID đã ảnh hưởng đến các chương trình gỡ bỏ bom mìn ở Campuchia.

Giờ đây, Trung Quốc đã thay thế vai trò của Mỹ. Theo tạp chí Time, ông Heng Ratana, Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn Campuchia, cho biết, Trung Quốc đã giải ngân 4,4 triệu USD để hỗ trợ các hoạt động rà phá bom mìn đang tiếp diễn tại 7 tỉnh của Campuchia. Các chương trình rà phá bom mìn tại 8 tỉnh khác do Mỹ tài trợ phải dừng lại.

Riêng về vấn đề thuế, mức thuế mà ông Trump đề xuất đối với hàng hóa từ Trung Quốc, bước đầu là 10% sau đó có thể cao hơn, dẫn đến khả năng các nhà sản xuất rời khỏi Trung Quốc sang Đông Nam Á, làm gia tăng phân mảnh của chuỗi cung ứng. Đây là cơ hội để Đông Nam Á đóng vai trò chủ chốt trong quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, theo ông Bart Édes, Giáo sư tại Đại học McGill và là thành viên danh dự tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương của Canada, căng thẳng thương mại giữa Mỹ với các nền kinh tế lớn có thể gây ra sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là đối với các nước xuất khẩu lớn như Thái Lan, Singapore, Việt Nam và Philippines.

Ông Édes cho rằng, Đông Nam Á và phần còn lại của thế giới sẽ phải quen với thực tế là ông Trump thực sự muốn đưa ngành sản xuất trở lại Mỹ. Khi sự cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, các nền kinh tế nhỏ ở Đông Nam Á sẽ tùy thuộc vào mối quan hệ với Trung Quốc để có thể hưởng lợi nhiều hay ít, hoặc cũng có thể thiệt hại.

Theo The Straits Times, các nhà phân tích cảnh báo, trong khi Singapore có vẻ không phải đối mặt với thuế quan trực tiếp từ Mỹ, nền kinh tế nhỏ và mở của nước này có thể “bị kẹt giữa làn đạn” của cuộc chiến thương mại giữa các siêu cường. Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho biết, còn có khả năng Singapore phải đối mặt với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn của Mỹ sau báo cáo rằng những trung gian ở Singapore có liên quan đến việc vận chuyển bất hợp pháp chip Nvidia sang Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục