Xe tải nhỏ thay thế xe công nông

Thời cơ thị trường đã đến

Thời cơ “vàng”
Thời cơ thị trường đã đến

Ngày 1-1-2008, trên toàn quốc sẽ có hơn 100.000 xe công nông và hàng chục nghìn xe tải quá niên hạn sử dụng sẽ bị loại bỏ theo Chỉ thị số 46/2004/CT-TTg và Nghị định số 23/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Đó là lý do chính khiến thị trường xe tải năm 2007 luôn sôi động và hứa hẹn tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới.

Thời cơ “vàng”

Thời cơ thị trường đã đến ảnh 1

Một góc Nhà máy sản xuất ô tô Trường Hải - Chu Lai (Quảng Nam). Ảnh: T.L.

Theo thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) trong 3 tháng gần đây (tháng 9, 10 và 11-2007) cho thấy sự tăng trưởng rất mạnh của thị trường xe tải. Cụ thể, tổng số lượng bán hàng của VAMA trong tháng 9-2007 là 7.683 xe, trong đó có đến 3.889 xe tải và bán tải; tháng 10 có 9.081 xe, trong đó xe tải và bán tải chiếm 4.223 xe.

Đặc biệt, trong tổng số 10.110 xe bán ra của VAMA trong tháng 11-2007, số xe tải và bán tải đóng góp tới 4.583 xe. Trong đó, Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) có doanh số bán cao nhất: 1.338 xe; Tổng Công ty Công nghiệp ÔÂ tô Việt Nam (Vinamotor) là 1.051 xe; Nhà máy Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) là 940 xe... Các thương hiệu xe tải và bán tải bán chạy trên thị trường là: Thaco, Foton, Jinbei, Transinco...

Theo các chuyên gia thị trường, thời điểm loại bỏ xe công nông và xe tải quá niên hạn là “thời cơ vàng” cho các doanh nghiệp sản xuất xe tải trong nước. Tuy nhiên, ngoài giá thành sản phẩm, về lâu dài các doanh nghiệp đang đứng trước sự cạnh tranh rất mạnh về chất lượng xe, đa dạng hóa sản phẩm và đặc biệt dịch vụ sau bán hàng. Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Ô tô Xuân Kiên cho biết, trung bình mỗi tháng Vinaxuki bán được khoảng 1.000 xe.

Tuy nhiên trong 3 tháng gần đây công ty đã•bán được khoảng 10.000 ôtô tải các loại, tăng khoảng 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, sức mua tăng vọt bởi lộ trình loại bỏ xe tải quá niên hạn và xe công nông đang đến gần, bán chạy nhất là xe có tải trọng từ 600 - 5.000 kg... Năm 2006 mỗi tháng Công ty Ô tô Trường Hải cũng tiêu thụ khoảng 400 - 450 xe tải các loại. Dự đoán, thị trường xe tải sẽ có nhiều đột phá nên năm nay công ty đang mở rộng nhiều đại lý tại các tỉnh miền trung và trung du Bắc bộ kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi, hỗ trợ khách hàng vay vốn mua xe. Nhờ có những chiến lược dài hạn nên trong năm 2007, Trường Hải luôn dẫn đầu trong việc tiêu thụ loại xe tải thay thế xe công nông với sức tiêu thụ trung bình hơn 1.000 xe/ tháng.

Thực tế cho thấy nhu cầu sử dụng các loại xe tải thay thế xe công nông phục vụ sản xuất, kinh doanh tại các vùng nông thôn là rất lớn. Điều này thể hiện qua sự ổn định về sản lượng bán hàng của các nhà sản xuất xe tải nhỏ luôn có sự tăng trưởng ổn định trong khi các dòng xe khác luôn có sự biến động mạnh mẽ. Chính vì vậy việc Chị thị số 46/2004/CT-TTg có hiệu lực vào ngày 1-1-2008 sẽ tạo ra một “cú hích” đáng kể cho phân khúc thị trường này.

Còn nhiều tranh cãi

Theo ông Đỗ Hữu Hào-Thứ trưởng Bộ Công thương, hiện cả nước có gần 40 doanh nghiệp trong nước tham gia sản xuất các loại xe tải trong khi mới chỉ tận dụng được 1/3 công suất. Chính vì vậy khi Chỉ thị số 46/2004/CT-TTg và Nghị định số 23/2004/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thì các nhà sản xuất không những hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu mà dự báo còn có sự cạnh tranh quyết liệt. Thực tế cho thấy, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất trong nước đã được nâng lên rất nhiều trong vài năm vừa qua với sản lượng khoảng 200.000 xe/ năm. 

Tuy nhiên trong khi “chiếc bánh” bắt đầu phình ra thì sự cạnh tranh vẫn diễn ra khá quyết liệt. Bằng chứng là việc tranh cãi gay gắt giữa các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất xe tải nhỏ thay thế xe công nông trước Quyết định số 1491/QĐ-TTg của Chính phủ khi quyết định hỗ trợ 9 triệu đồng cho mỗi xe tải thay thế công nông và xe tải quá niên hạn sử dụng tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây nguyên. Theo đó, số tiền hỗ trợ này sẽ chỉ được áp dụng khi người dân mua xe của Công ty cổ phần Ô tô TMT (Vinamoto). TMT sẽ có nhiệm vụ ứng trước số tiền hỗ trợ trên cho các hộ dân khi mua xe và Nhà nước sẽ hoàn trả số tiền trên cho TMT.

Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaxuki, từ nay đến năm 2010, tại 2 thị trường trên có thể tiêu thụ đến 20.000 xe tải. Với mức hỗ trợ 9 triệu đồng/xe, số tiền ngân sách Nhà nước bỏ ra có đến hàng trăm tỷ đồng mà không đấu thầu là không đúng. Ông Huyên cũng thắc mắc, không hiểu dựa trên “tiêu chí” nào mà TMT lại được lựa chọn trong khi năng lực và tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp này thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp khác. Xét về chất lượng cũng không thấy sản phẩm của doanh nghiệp này có gì vượt trội hơn so với các sản phẩm của doanh nghiệp khác.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng cho rằng, các đại lý của họ tại khu vực phía Bắc và Tây Nguyên những tháng gần đây doanh số bán ra có chiều hướng giảm vì người dân cho biết đang… chờ mua xe được hỗ trợ 9 triệu đồng/xe. Nhiều ý kiến cho rằng, việc hỗ trợ như trên là bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ôtô. Từ tất cả những động thái nêu trên có thể dự đoán, sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà sản xuất trong thời gian tới và người tiêu dùng có thể sẽ được hưởng lợi từ việc cạnh tranh về giá bán.

Nguyễn Hoàng

Tin cùng chuyên mục