Trong khi chỉ số thị trường chứng khoán (TTCK) nhiều nước trên thế giới liên tục lập đỉnh mới thì VN-Index nhọc nhằn vượt lên mức 1.300 điểm rồi sau đó tụt lại. Nghịch lý này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam luôn được đánh giá là điểm sáng của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, những biến động vĩ mô trong nước và thế giới cho thấy TTCK Việt Nam đang đứng trước cú huých lớn để bứt phá vươn lên.
Đầu tiên là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất sau 4 năm, kết thúc chu trình tăng lãi suất ở mức cao nhất trong 22 năm qua đã tạo ra sự kỳ vọng rất lớn cho sự hồi phục của nền kinh tế thế giới. Lãi suất USD hạ có thể kéo nguồn vốn đầu tư quốc tế đảo chiều và quay lại vào các TTCK mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam.
Điều này được xem là sẽ tạo thêm dư địa để Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế và tăng thanh khoản cho TTCK. Phản ứng ngay lập tức, trong tuần đầu tiên sau khi FED hạ lãi suất, top 5 TTCK tăng mạnh nhất thế giới đều ghi nhận mức tăng từ 2%-5%. TTCK Việt Nam tuần cuối tháng 9 thanh khoản đã cải thiện vì khối ngoại mua ròng trở lại, chỉ trong vòng một tuần, VN-Index từ 1.270 điểm đã mấp mé vượt 1.300 điểm.
Về nội tại, với quyết tâm phục hồi sau bão lũ, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, điều này sẽ giúp nền kinh tế phục hồi nhanh hơn. Tiếp đó, việc tăng cường giải ngân đầu tư công, đẩy mạnh bơm vốn tín dụng sẽ tạo nên sự phấn khởi cho nền kinh tế. Đây cũng là cơ sở tích cực cho TTCK.
Mặt khác, một thông tin thu hút sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư là sự ra đời của Thông tư 68/2024 của Bộ Tài chính (có hiệu lực từ 2-11) cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu mà không yêu cầu có đủ tiền (prefunding).
Quy định này đã “gỡ” nút thắt quan trọng về cơ chế giúp TTCK Việt Nam đến gần hơn mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE vào kỳ đánh giá và quyết định nâng hạng Việt Nam vào tháng 9 năm sau. Mới đây bà Mariam Sherman, Giám đốc quốc gia WB của Việt Nam, Lào và Campuchia, cho biết, WB ước tính việc nâng hạng TTCK Việt Nam có thể mang tới 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào năm 2030.
Đây là một khối lượng tiền khổng lồ, để hấp thụ luồng tiền này tất nhiên TTCK sẽ phải tiếp tục thay đổi như giải quyết các vấn đề về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước lớn; cải thiện môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch hơn...
Ngoài những giải pháp nói trên, để cải thiện hiệu quả TTCK còn phụ thuộc rất nhiều vào các thành viên tham gia thị trường như công ty chứng khoán, tổ chức cung cấp dịch vụ, công ty đại chúng… trong việc nâng cao chất lượng công bố thông tin, chất lượng quản trị, tăng thêm hàng hóa có chất lượng.
Đặc biệt, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) phải nhanh chóng đưa hệ thống KRX vào vận hành càng sớm càng tốt, vừa tránh sự tắc nghẽn trong quá trình giao dịch và cũng là cơ sở hạ tầng cần thiết để triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP), từ đó giải quyết một trong những nút thắt trọng yếu của việc nâng hạng là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch.
Một trong những điều được nhà đầu tư quan tâm nhất là thiết lập môi trường minh bạch, công bằng và tránh những rủi ro, hành vi trục lợi. TTCK là thị trường của niềm tin. Mặc dù thời gian qua một số hành vi thao túng thị trường đã được phát hiện và xử lý nhưng qua đó lòng tin của nhà đầu tư cũng bị thử thách, ảnh hưởng đến tính bền vững, ổn định của TTCK.
Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật, mạnh tay xử lý nghiêm hành vi thao túng giá để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư, hoạt động lành mạnh của thị trường.