Để nhìn nhận rõ hơn về tiềm năng, cơ hội của TMĐT, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) Nguyễn Ngọc Dũng (ảnh).
PHÓNG VIÊN: Những yếu tố nào sẽ thúc đẩy TMĐT ở nước ta bứt phá trong năm 2022, thưa ông?
* Ông NGUYỄN NGỌC DŨNG: Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, TMĐT Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt với mức tăng khoảng 20% và quy mô 16 tỷ USD. Tiếp tục đà tăng trưởng, hiện Việt Nam là một trong các nước có quy mô thị trường TMĐT đứng nhóm đầu trong khu vực gồm: Indonesia, Thái Lan và Malaysia.
Kinh tế internet của Việt Nam năm 2021 tăng trưởng 31% so với năm 2020 và đạt quy mô 21 tỷ USD, trong đó lĩnh vực bán lẻ trực tuyến tăng trưởng tới 53% và đạt quy mô 13 tỷ USD.
Có 2 làn sóng đã góp phần tạo ra sự phát triển vững chắc của TMĐT nước ta trong các năm 2020-2021 và tiếp tục là động lực cho giai đoạn tiếp theo. Làn sóng thứ nhất diễn ra trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, năm 2020. Làn sóng thứ hai diễn ra từ tháng 6 đến tháng 9-2021 trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư.
Những đặc điểm nổi bật của cả 2 làn sóng là trong bối cảnh toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội bị trì trệ, kinh doanh bị tác động nghiêm trọng nhưng đông đảo thương nhân đã nỗ lực chuyển đổi số để nắm bắt cơ hội kinh doanh mới và người tiêu dùng trực tuyến tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Làn sóng thứ hai cộng hưởng với làn sóng thứ nhất tạo ra động lực mạnh mẽ mới cho TMĐT trong trung và dài hạn. Trong làn sóng thứ hai, hoạt động chuyển đổi số của cả thương nhân và người tiêu dùng thể hiện rõ ràng hơn làn sóng thứ nhất.
Đầu tiên, số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng lên và đông đảo người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo hơn kỹ năng mua sắm trực tuyến, thậm chí một bộ phận người tiêu dùng đã ưu tiên mua sắm trực tuyến nhiều hơn so với mua sắm truyền thống.
Thứ hai, nhiều thương nhân, đặc biệt là doanh nghiệp TMĐT, tích cực triển khai các hoạt động chuyển đổi số để thích nghi với đại dịch cũng như chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới” sau đợt dịch thứ tư. Thứ ba, từ những khó khăn do phụ thuộc vào một kênh mua sắm duy nhất trong giai đoạn đại dịch, đông đảo khách hàng đã trở nên quen thuộc với hình thức mua sắm đa kênh.
Từ năm 2022, TMĐT trở thành xu hướng mua sắm chủ đạo. Mọi thương nhân cần nhanh chóng thay đổi để đáp ứng trải nghiệm mua sắm mới này của khách hàng. Với những đặc điểm nổi bật, có thể thấy làn sóng thứ hai đã tạo đà cho sự phát triển TMĐT.
* Những ngành hàng nào sẽ lên ngôi nhờ TMĐT và cộng đồng doanh nghiệp cần thích ứng ra sao để tận dụng tốt cơ hội?
* Trong năm 2020 và 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, nhưng bán lẻ trực tuyến vẫn trụ vững và góp phần quan trọng duy trì đà tăng trưởng của TMĐT, đặc biệt thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Ngay trong giai đoạn đại dịch, rất nhiều thương nhân Việt Nam đã nhanh chóng thích ứng với việc ứng dụng kinh doanh trên môi trường trực tuyến và tích cực chuyển đổi số để thích nghi. Các hoạt động này cần tiếp tục duy trì và có định hướng dài hạn để vừa nắm bắt cơ hội phục hồi sau đại dịch, đồng thời có khả năng thích ứng cao với những rủi ro tiềm tàng trong tương lai.
Dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19, năm 2020 và 2021 Việt Nam đã chính thức tham gia các hiệp định thương mại đa phương và song phương, cơ hội xuất khẩu trực tuyến và tham gia các thị trường quốc tế đã mở ra cho doanh nghiệp Việt. Đã đến lúc các doanh nghiệp trong nước có sản phẩm, hàng hóa cần hướng đến thị trường xuất khẩu, thay vì chỉ tập trung cho thị trường nội địa.
* Gần đây, nhiều vụ kinh doanh hàng dỏm, thậm chí lừa đảo trên sàn TMĐT đang có dấu hiệu gia tăng. Ông có khuyến cáo gì đến cộng đồng doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng?
* Chúng tôi luôn mong muốn và tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ ở Hà Nội, TPHCM mà rất nhiều địa phương trên cả nước phát triển TMĐT. Trong các hoạt động tập huấn, đào tạo cho doanh nghiệp địa phương, hộ kinh doanh hay hợp tác xã, Vecom không chỉ chú trọng vào việc xây dựng nền tảng TMĐT, hay nâng cao kỹ năng kinh doanh trực tuyến mà còn luôn quan tâm đến việc phổ biến chính sách pháp luật về TMĐT.
TMĐT mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, tuy nhiên cũng là cơ hội cho một số đối tượng lợi dụng quảng bá và bán các sản phẩm không đúng chất lượng, hay hàng giả, hàng nhái. Vecom cũng tích cực tham gia các hoạt động phổ biến kiến thức và cảnh báo người tiêu dùng không nên ham sản phẩm quá rẻ, hay mua hàng trên những trang thông tin không chính thức hoặc chưa đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước.
* Việt Nam cần làm gì để phát triển TMĐT xuyên biên giới?
* Như đã đề cập ở trên, Việt Nam đã chính thức tham gia nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương, cơ hội xuất khẩu trực tuyến và tham gia các thị trường quốc tế đã mở ra cho doanh nghiệp.
Qua rất nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các thành phố lớn và ở các địa phương, chúng tôi thấy có một số điểm hạn chế về xuất khẩu trực tuyến như: doanh nghiệp có sản phẩm tốt nhưng chưa biết làm thương hiệu, chưa có kiến thức về xuất khẩu trực tuyến xuyên biên giới, chưa có kinh nghiệm triển khai và vận hành cho hoạt động xuất khẩu xuyên biên giới… Do đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cần khắc phục những nhược điểm này để sớm nắm bắt cơ hội tham gia thị trường quốc tế