Đây là nội dung được các chuyên gia nêu ra tại cuộc tọa đàm: “Đưa sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên tầm cao mới” do Bộ Công thương tổ chức tại Hà Nội ngày 16-11.
Theo Bộ Công thương, đến thời điểm này, nhiều sản phẩm, hàng hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã vào các hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước cũng như xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Để đẩy mạnh hoạt động kinh tế ở khu vực này, ngày 14-10-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Bộ Công thương đang triển khai mục tiêu này.
Chia sẻ tại cuộc tọa đàm, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, để cụ thể hóa các mục tiêu, đến nay, cả nước đã triển khai được rất nhiều chương trình và đề án lớn để phát triển thị trường, thúc đẩy thương mại biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Trong đó có thể kể như: chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, giai đoạn từ năm 2014 - 2020 và nay là giai đoạn 2021 - 2025, đề án đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản…
“Chúng tôi đã thiết lập được trên toàn quốc các mô hình điểm bán hàng Việt, ưu tiên những vị trí đắc địa cho sản phẩm, hàng hóa của đồng bào dân tộc, kết hợp với Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới do Bộ NN-PTNT chủ trì để đưa ra thị trường những sản phẩm OCOP”, bà Nga thông tin.
Bên cạnh đó, theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, các chương trình xã hội hóa với sự kết hợp của các hệ thống phân phối lớn ở trong nước như Central Retail, MM Mega Market, Saigon Co.op, Winmart… đã đem lại hiệu quả rất lớn cho việc tiêu thụ sản phẩm của nông thôn, miền núi.
“Chẳng hạn như Central Retail (Thái Lan), họ có hẳn một chương trình phối hợp với Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT tạo ra sinh kế cộng đồng, hướng dẫn cho các địa phương và đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số để sản xuất ra những sản phẩm đạt chuẩn để đưa vào hệ thống siêu thị, đầu tư quảng bá đến người tiêu dùng ở các đô thị lớn”, bà Nga chia sẻ và đánh giá: “Qua những hoạt động như này, chúng tôi thấy rằng vai trò của các hệ thống phân phối hiện đại là rất tốt để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa của đồng bào miền núi”.
Từ góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cho rằng, để nâng các “đặc sản” của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên một tầm cao mới thì cần đưa vào các sản phẩm đó những giá trị lịch sử văn hóa, thậm chí là những tích truyện, phong tục tập quán hấp dẫn… gắn với xu hướng tiêu dùng - xu hướng sống (an toàn, sạch sẽ, xanh và nhân văn nữa). Đây là những lợi thế rất quan trọng.
Tiếp nối câu chuyện của TS Võ Trí Thành, bà Phạm Thị Việt Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Trà và đặc sản Tây Bắc (đơn vị đã đầu tư một nhà máy trồng và chế biến trà tại Tà Xùa (Sơn La), kể: công nhân làm trong nhà máy hầu như là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Những ngày đầu, hầu như công nhân không biết chữ, đến nay thì đều đọc thông viết thạo, thậm chí giao tiếp rất giỏi.
“Để tạo ra được sản phẩm, trước tiên là mình phải dạy bà con làm sao để họ biết yêu cây trà trước. Khi mà họ biết yêu cây trà thì mình sẽ dạy họ cách thu hái làm sao để đúng kỹ thuật, đúng ngày. Vì trà là cây ăn lá, nếu bà con hái đúng kỹ thuật thì mùa sau cây sẽ lại ra nhiều búp hơn, sản lượng sẽ tăng hơn”, bà Hà chia sẻ câu chuyện.
Bàn về phát triển thị trường cho hàng hóa của đồng bào dân tộc, bà Lê Việt Nga cho biết, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam được đánh giá là đối tượng tiêu thụ tiềm năng cho các đặc sản của miền núi nước ta. “Đặc biệt là khách từ các quốc gia phát triển, họ muốn hỗ trợ cho người dân ở những vùng còn nhiều khó khăn. Họ đến du lịch, đặc biệt là du lịch homestay, ở cộng đồng và mua sắm rất nhiều”, bà Nga cho biết.
Tuy nhiên, thị trường đã gặp rất nhiều khó khăn trong 2 năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nguồn du khách giảm mạnh. “Chúng tôi cũng đã nghĩ tới những cách khác để làm sao thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cho đồng bào dân tộc và một trong những thế mạnh để bù đắp là dùng thương mại điện tử khi người tiêu dùng không thể mua trực tiếp. Và như TS Võ Trí Thành vừa cho biết, Amazon hiện nay cũng đã bán những sản phẩm đầu tiên liên quan đến sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta”, bà Nga thông tin.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, hiện Bộ Công thương cũng khuyến khích các công ty đang có những hoạt động xuất khẩu rất tốt tại các thị trường khó tính cùng tham gia. “Họ đang muốn tìm kiếm những sản phẩm hữu cơ, organic, mà những sản phẩm hữu cơ này thường nằm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và rất nhiều công ty đã xuất thành công sang EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ… như Công ty Dace thì sản xuất các loại gia vị từ gừng, tỏi, ớt được trồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Cao Bằng, Quảng Ngãi (được thế giới công nhận là sản phẩm organic); hoặc hệ thống Craft Link, Vinasamex đang xuất khẩu các sản phẩm về thủ công mỹ nghệ như quế, mây tre, thổ cẩm, đồ handmade mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc”, bà Nga nói.