Thoát nghèo trên vùng đất khó

Chị Tươi đon đả mời ông Bảy, ông Năm vào quán uống nước sau chuyến đi biển vất vả, rồi tranh thủ trở vào cuốn những cuộn dây gai kiếm thêm ít thu nhập. Ngoài kia, biển Cần Giờ trời xanh trong, đầy nắng…

Nghề giảm nghèo

Vì sức khỏe kém nên chị Hồ Thị Ngọc Tươi, 45 tuổi, ở xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TPHCM chuyên tâm ở nhà nội trợ, chồng chị thì lao động tự do, ai kêu gì làm nấy nên cảnh nhà chị luôn thiếu trước hụt sau. Dù vậy, 3 người con của chị Tươi lại rất ham học.

“Năm thằng con lớn lên lớp 11, vợ chồng tôi tính cho nó nghỉ học để đi làm mướn, mà thấy nó thích học quá lại không nỡ. Vợ chồng tôi động viên nhau, ráng nhận thêm việc mỗi ngày để lo cho nó”, chị Tươi nhớ lại.

Khó khăn nhất là khoảng năm 2017, 2018 khi cả hai người con chị đều vào đại học. “Nhiều bữa gia đình chỉ dám ăn cơm chan nước tương, chắt bóp gửi tiền cho con đi học”, chị Tươi nói.

Vợ chồng chị Tươi nhận được nhiều tình cảm, sự quan tâm của làng xóm và chính quyền địa phương; đưa gia đình vào diện hộ nghèo để nhận thêm chính sách ưu tiên. Năm 2023, gia đình được hỗ trợ sinh kế là chiếc vỏ lãi. Nhờ chiếc vỏ lãi, chồng chị bắt đầu đi đánh bắt ven bờ và có thu nhập ổn định hơn. Chị Tươi cũng mở được tiệm tạp hóa nhỏ, lúc rảnh thì gai dây thuê, mỗi cuộn được 15.000 đồng. Năm 2024, gia đình chị đã vươn lên là hộ cận nghèo.

&3b.jpg
Bà Đỗ Ngọc Hường (bên trái) thường xuyên thăm hỏi, động viên các gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã. Ảnh: CẨM TUYẾT

Dẫn chúng tôi đến nhà chị Tươi là bà Đỗ Ngọc Hường. Bà là tổ trưởng tổ tự quản giảm nghèo của xã đã hơn chục năm nay, bà con thường gọi thân thương là bà Sáu Hường. Bà Sáu Hường không phải người dân địa phương, nhưng bà yêu và gắn bó với mảnh đất Cần Giờ đã gần 50 năm. Năm 1979, trong một lần đến công tác tại huyện Cần Giờ, bà gặp và kết hôn với ông xã rồi quyết định về đây công tác.

Năm 2008, bà Sáu Hường làm Phó trưởng ấp Đồng Tranh, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp và kiêm phụ trách công tác giảm nghèo của ấp. Trong hơn 15 năm phụ trách công tác giảm nghèo, bà Sáu Hường hiểu cặn kẽ từng hộ gia đình. “Làm công tác giảm nghèo là phải chính xác, minh bạch và hiểu từng gia đình. Phải thật sự công tâm để khi đưa ra xét chọn, bình bầu không gây ra phản ứng trong bà con”, bà Sáu Hường chia sẻ.

Chị Tươi kể: “Một ấp bảy mươi mấy hộ, bà Sáu Hường biết cặn kẽ từng người. Đưa ra bình xét, ví dụ nhà đó có người từng dính tệ nạn thì bà Sáu để làng xóm tự hiểu với nhau. Bà Sáu nói họ đã nghèo rồi, không lấy cái xấu ra để họ thêm mặc cảm mà mất đi nghị lực”. Nhiều năm nay, bà con trong ấp, trong xã luôn tin tưởng, yên tâm khi công tác giảm nghèo được giao cho bà Sáu Hường phụ trách.

Dù nghèo cũng ráng đón xuân

Nhà bà Mai Thị Tốt, 65 tuổi, nằm trong con hẻm nhỏ ở ấp 8, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TPHCM với 7 thành viên, gồm con gái, con rể và các cháu ngoại. Bà Tốt kể, chồng mất, bà làm đủ mọi nghề nuôi 4 đứa con. Khi các con gái lần lượt lấy chồng, 3 thế hệ sinh sống cùng nhau trong ngôi nhà nhỏ. Chỉ có con gái út làm công nhân, có chút đồng ra đồng vô.

Năm 2021, gia đình bà Tốt thuộc diện hộ nghèo của xã, được hỗ trợ nhiều mặt. Tiệm tạp hóa nhỏ bà mở được cũng là từ nguồn vay vốn hỗ trợ giảm nghèo. Mới đây, bà hạnh phúc vỡ òa cho biết: “Được hỗ trợ 50 triệu đồng cùng số tiền từ nhà hảo tâm và tiền gia đình tích cóp, căn nhà được nâng nền và sửa lại cao hơn, tôi vui không ngủ được”.

Nắm lấy tay chị Lình - chuyên viên phụ trách mảng giảm nghèo của xã Phước Lộc, bà Tốt tâm tư: “Không biết nói gì hơn, gia đình tôi có được hôm nay là nhờ sự yêu thương của bà con, sự quan tâm chính quyền địa phương. Các cán bộ xã như cô Lình đây thường xuyên ghé nhà hỏi han, lễ tết còn tặng quà”. Đầu năm 2024, gia đình bà Tốt được nâng chuẩn lên hộ cận nghèo, từ 1-10-2024 đã vươn lên là hộ thoát nghèo bền vững.

Dù cuộc sống phải chạy đua với cơm áo gạo tiền, bà Tốt luôn dạy con cháu tích cực đóng góp cho xã hội. Bà đã có 28 lần hiến máu, các con bà đều hiến máu trên dưới 20 lần; cháu ngoại bà sau khi phục vụ trong quân ngũ về địa phương hiện đang nằm trong lực lượng Tổ an ninh cơ sở của xã.

“Cháu vừa đủ 18 tuổi là tôi động viên cháu đi nghĩa vụ quân sự. Chòm xóm thì ái ngại, nhà khó khăn sao không để nó đi làm phụ thêm kinh tế. Tôi thì muốn nó được rèn luyện nên người, phục vụ đất nước”, bà Tốt kể. “Dù nghèo vẫn ráng đón xuân”, bà Tốt kể với chúng tôi điều bà cảm thấy nuối tiếc là không thể lo cho con cái được học hành đến nơi đến chốn. Bởi vậy, bà luôn động viên các con phải chăm lo cho các cháu được ăn học nên người. Bà tự hào kể, đứa cháu học lớp 3 vừa được nhận học bổng học sinh nghèo vượt khó...

Chúng tôi tìm đến nhà ông Maddox ở ấp 4, xã Nhơn Đức, là hộ gia đình có 10 người thành viên chung sống, thuộc diện hộ dân tộc thiểu số thoát nghèo trong năm nay. Ông Maddox đã lớn tuổi nên con trai của ông là Mohammed Ali (sinh năm 1974) ngồi trò chuyện với chúng tôi.

Gia đình ông Maddox là đồng bào dân tộc Chăm, từ quê An Giang lên TPHCM sinh sống đã nhiều năm. Gia đình có 6 con gái và 2 con trai, nhưng công việc người có người không, thu nhập bấp bênh. Gia đình ông thuộc diện hộ nghèo của xã, thường xuyên nhận được hỗ trợ của địa phương về nhu yếu phẩm và quà vào các ngày lễ, tết.

Năm 2022, các con gái của ông được địa phương giới thiệu việc làm tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TPHCM). Gia đình cũng được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ quỹ xóa đói giảm nghèo để mua sắm dụng cụ may gia công tại nhà, tạo thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo.

Ông Mohammed Ali chia sẻ, gia đình ông trước đây chạy cơm từng bữa, ai có việc thì đi làm, không có thì ở nhà; chưa từng nghĩ sẽ có thu nhập ổn định để sửa lại căn nhà khang trang hơn. “Sự động viên của chính quyền địa phương đã giúp chúng tôi rất nhiều không chỉ về vật chất mà hơn hết là về mặt ý chí, nỗ lực để vươn lên thoát nghèo”, ông Mohammed Ali nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Ngọc Xuân, huyện đang trong quá trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2024. Qua khảo sát sơ bộ (tính đến ngày 15-10-2024), toàn huyện còn 654 hộ nghèo, chiếm 3,03% tổng số hộ dân (chỉ tiêu còn dưới 5% cuối năm 2024), đạt mục tiêu trước 1 năm.

Hiện, khó khăn lớn nhất trong công tác giảm nghèo tại huyện Cần Giờ là do trên địa bàn đa số doanh nghiệp quy mô nhỏ; người lao động gặp khó trong việc di chuyển đi làm nơi khác. Bên cạnh đó, huyện còn nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo hạn chế nhà ở, cần thêm nhiều nguồn lực xã hội cải thiện điều kiện sống, an cư lạc nghiệp.

Tin cùng chuyên mục