Xã đảo Thạnh An (thuộc huyện Cần Giờ, cách trung tâm TPHCM 70km) có diện tích đất tự nhiên trên 13.000ha và gần 5.000 cư dân. Do cách trở về mặt địa lý nên cuộc sống nơi đây còn nhiều khó khăn, dân cư chủ yếu sống bằng nghề làm muối, đánh bắt và hiện nay đang phát triển mạnh các mô hình nuôi trồng thủy sản.
Điều kiện môi trường thiên nhiên của xã đảo Thạnh An thích hợp để phát triển các loài thủy hải sản, đã giúp không ít nông dân cần cù lao động, ham học hỏi vươn lên làm giàu. Trong đó phải kể đến ông Nguyễn Văn Đổi (ngụ ấp Thiềng Liềng).
Ông Đổi cho biết, từ năm 1975 đến nay, gia đình ông chủ yếu làm nghề muối trên diện tích 2ha đất, mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ - từ 12 tháng năm trước đến tháng 3 năm sau.
Ông Nguyễn Văn Đổi (bìa phải) cùng các nông dân tham quan mô hình nuôi cua của Trạm Khuyến nông Cần Giờ
Giá muối trên thị trường ngày càng bấp bênh không ổn định nên thu nhập của gia đình ông thường thấp. Nhận thấy muối chỉ làm được 1 vụ vào mùa nắng, còn để trống đất trong những tháng mùa mưa, ông Đổi đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình chuyển giao của cơ quan khuyến nông, sau đó thử nghiệm đưa đối tượng tôm sú và cua vào sản xuất trên ruộng muối của mình.
Qua tham gia các lớp tập huấn, tham quan, hội thảo do Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức, ông Đổi tích lũy được kiến thức về kỹ thuật nuôi cua và tôm sú.
Năm 2015, ông được Trạm Khuyến nông Cần Giờ chọn tham gia mô hình nuôi cua bằng con giống nhân tạo (do đơn vị đầu tư con giống), với diện tích 5.000m2 cho số lượng 5.000 con.
Sau 3 tháng nuôi, trọng lượng cua đạt 200g - 250g/con, tỷ lệ sống đạt 40% - 50%, bán với giá 160.000 đồng/kg; sau khi trừ chi phí, hộ gia đình ông Đổi lãi 40 triệu đồng/vụ nuôi cua.
Với nguồn nước và độ mặn thích hợp, ngoài mô hình nuôi cua, ông Đổi còn sử dụng 6.000m2 đất để nuôi tôm sú. Sau gần 5 tháng nuôi, vụ tôm đã mang lại lợi nhuận cho gia đình ông gần 300 triệu đồng, sau khi trừ hết các chi phí đầu tư.
Hiện ông Đổi rất phấn khởi vì 2 vụ nuôi tôm sú năm 2016 vừa rồi rất thành công, đem lại mức lãi trên 500 triệu đồng, ông cải tạo thêm 1,5ha ao để bắt tay vào mùa vụ mới.
Ngoài làm giàu cho bản thân và gia đình, ông Đổi còn chia sẻ kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình sản xuất và học hỏi để giúp cho bà con nông dân tại địa phương vươn lên thoát nghèo.
Với uy tín của bản thân, ông đã được bà con nông ấp Thiềng Liềng tín nhiệm, bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sản xuất kinh doanh giỏi của ấp. Ông Đổi còn là điển hình trong việc tham gia hiến đất để xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Bằng những nỗ lực không ngừng trong sản xuất, ông Nguyễn Văn Đổi đã được Hội Nông dân các cấp tặng nhiều bằng khen nông dân sản xuất điển hình tiên tiến của huyện Cần Giờ.