Mới đây, đông đảo cư dân chung cư Sunview Town (phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TPHCM) đã dự cuộc họp, nghe thiếu tá Huỳnh Văn Tuấn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát cứu hộ - cứu nạn (Sở Cảnh sát PCCC TPHCM), trình bày chuyên đề kỹ năng thoát nạn khi cháy cao ốc. Các cư dân dự họp đều cho rằng đây là những thông tin rất cần thiết và hữu ích.
Chạy lên hay chạy xuống?
Sau vụ cháy Carina Plaza, nhiều người đang cư ngụ hoặc làm việc tại các cao ốc rất lo lắng và quan tâm vấn đề làm cách nào để thoát nạn khi cháy. Chị Hồng Lan (ngụ tại tầng 15 block B) lắng nghe, ghi chép rất cẩn thận và nêu thắc mắc: “Tôi ở tầng cao, nếu như xảy ra cháy nổ ở các tầng bên dưới thì tôi nên chạy lên hay xuống”. Với trải nghiệm rất nhiều lần cứu hộ, cứu nạn trong đám cháy nhà cao tầng, thiếu tá Huỳnh Văn Tuấn đáp: “Không thể thoát nạn an toàn nếu như chúng ta hoảng loạn. Khi xảy ra cháy, lửa và khói bốc lên, nguyên tắc chạy xuống tầng trệt là an toàn. Nhưng, như trường hợp vụ cháy Carina Plaza, cầu thang thoát nạn chống tụ khói đã không phát huy hiệu quả, vì cửa không được đóng kín, khói độc lùa vào, chạy bằng đường cầu thang đó là vào cửa tử. Kết quả khám nghiệm hiện trường vụ cháy nêu trên cho thấy, 5 người tử vong do ngạt khói độc. Do vậy, khi xác định chạy xuống không an toàn thì phải chạy ngược trở lên, nếu như cao ốc có tầng thượng. Nếu không có tầng thượng thì cần đóng cửa cầu thang đó lại, chạy về căn hộ của mình hay căn hộ gần nhất, nhất thiết phải có cửa sổ”.
Mở một hình ảnh tư liệu trong máy tính cho mọi người xem, thiếu tá Huỳnh Văn Tuấn nói tiếp: “Trong vụ cháy một căn nhà ở quận 1, cô này đã thoát chết nhờ biết vận dụng kỹ năng thoát nạn. Khi phát hiện lối thoát đã tràn ngập khói lửa, cô chạy về căn phòng của mình, đóng kín cửa, dùng khăn vải, giẻ lau… bịt kín các khe hở để khói không tràn vào phòng, rồi lấy một cái mền, thấm ướt nước choàng lên người. Cô cũng không quên mở xả nước trong nhà vệ sinh để căn phòng không bị nóng. Cuối cùng, cô đập bể kính cửa sổ và ngồi thấp xuống trong khi chờ cứu. Đây là việc vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, nếu khói tụ vào sẽ thoát lên cao qua đường cửa sổ, cô ngồi thụp xuống nền nhà nên vừa tránh được khói độc vừa có không khí để thở. Khi xảy ra cháy, người dân gọi điện thoại số 114. Tương tự, khi đã tìm được chỗ an toàn, người dân cũng cần gọi số 114 để các trinh sát PCCC nắm được tình hình và tổ chức tìm kiếm”.
Ông Lương Văn Hồng Vân (ngụ tại tầng 3 tháp A3) nêu tình huống: “Nhà tôi ở tầng thấp, nếu cháy, tôi có thể dùng nệm quăng xuống đất rồi nhảy xuống được không? Tôi có thể dùng dây thừng hay xé rèm cửa nối làm dây để leo xuống đất không”. Thiếu tá Huỳnh Văn Tuấn mở ảnh tư liệu chiếc nệm hơi chuyên dụng, cho biết: “Đây được xem là một phương tiện cứu người trên cao thoát nạn. Tuy nhiên, phải nhảy đúng vào trọng tâm và khu vực màu xanh thì mới an toàn. Do gió mạnh hay do mất bình tĩnh, có thể rơi vào khu vực màu trắng ở phía ngoài, thì độ an toàn không cao. Việc dùng nệm hay dây để thoát nạn là giải pháp cần kíp. Lực lượng cứu hộ - cứu nạn có dây chuyên dùng để cứu người trên cao thoát nạn. An toàn nhất là dây hạ chậm, chịu được trọng lượng khoảng 170kg. Tuy nhiên, nếu tự trang bị cũng cần tập an toàn, với sự giám sát, hướng dẫn của chúng tôi”.
Tự cứu trong khi chờ cứu
Thiếu tá Huỳnh Văn Tuấn dặn dò: Khi có sự cố cháy cao ốc, nên bình tĩnh di chuyển theo hướng bảng chỉ dẫn Exit. Bảng Exit có ký hiệu cầu thang là cầu thang thoát nạn. Nếu bảng Exit không có ký hiệu gì khác thì gần đó có họng nước chữa cháy, chuông báo cháy, ống nước… Trên đường thoát thân, phải dùng khăn hay quần áo bịt mũi miệng và cúi thật thấp người. Nên đập vào các cánh cửa để thông báo cho người bên trong biết. Chuông báo cháy thường được che bằng kính. Hãy dùng giày dép hay vật cứng đập bể kính để nhấn chuông báo động. Khi trong phòng, dùng mu bàn tay để sờ nắm đấm cửa, nếu thấy nóng thì bên ngoài đang cháy, không mở cửa ra hướng đó. Khi di chuyển trên hành lang hay cầu thang thoát nạn, hãy tựa một tay vào tường hay lan can cầu thang để an toàn khi di chuyển và biết được có đang gần khu vực cháy hay không. Nếu phát hiện nóng thì di chuyển theo chiều ngược lại ngay.
Chị Hồng Phượng (ngụ tại tầng 9 tháp A1) lo lắng hỏi: “Tôi ở tầng 9, khi xảy ra cháy, xe thang có được đưa đến nơi để cứu không? Nhận được tin báo cháy thì bao lâu sau lực lượng PCCC có mặt ở hiện trường”. Thiếu tá Huỳnh Văn Tuấn đáp: “Trong vòng 1 phút kể từ khi nhận tin báo cháy, chúng tôi xuất phát. Tuy nhiên đường đến hiện trường có thể bị ùn tắc, do vậy khó có thể xác định chính xác bao nhiêu phút. Với hệ thống định vị, thông tin liên lạc, bản đồ số…, chúng tôi sẽ tìm đường đến hiện trường trong thời gian sớm nhất. Hiện nay, lực lượng PCCC TPHCM có các loại xe thang cao 30m, 50m và 72m. Tùy địa hình hiện trường, chúng tôi sẽ triển khai loại xe thang, phổ biến vẫn là xe thang 30m. Chỉ cần 3 phút sau khi đến hiện trường, chúng tôi có thể tiếp cận và cứu người an toàn. Chị ở lầu 9, chúng tôi sẽ đến tận lan can, với điều kiện chị phải hết sức bình tĩnh nghe theo hướng dẫn của chúng tôi”.