Thoảng nghe mùi tết

Trong muôn vàn câu chuyện để nói về ngày tết, người ta dễ nhận diện và chộn rộn mỗi khi thấy cành mai, chậu cúc, khóm vạn thọ khoe sắc vàng, đỏ. Với sắp nhỏ trong nhà, màu tết là cái áo, đôi giày, hay cái nón mới xanh xanh, hồng hồng… và mong chờ nhất, hẳn là màu đỏ rực của bao lì xì ngày đầu năm mới kèm với những lời chúc học hành đỗ đạt.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Mứt dừa ngày tết. Ảnh: NGỌC MINH
Mứt dừa ngày tết. Ảnh: NGỌC MINH

Còn với các bà, các mẹ, hay chị Hai, chị Ba…, tết là những mùi hương nồng ấm của sum vầy. Phảng phất trong không khí se lạnh của những ngày cuối năm có mùi hăng hăng của củ kiệu đang phơi nắng. Củ kiệu là món đồ chua ăn kèm đặc trưng trong bữa cơm ngày tết ở phương Nam. Cũng không rõ bắt đầu từ khi nào, nhưng hễ tết đến xuân về thì nhà nào cũng sẵn một nồi thịt kho và hũ củ kiệu ăn kèm. Giữa rất nhiều vị mặn, ngọt, bùi, béo của tổng hợp món ngon ngày tết, chút vị chua chua của củ kiệu như một sự cân bằng.

Những ngày tháng Chạp, mùi của tết cũng đậm đà hơn khi mẹ và chị Hai bắt đầu tính chuyện làm mứt. Món mứt truyền thống và có tiếng ở Nam bộ phải kể đến mứt dừa. Dừa non thì làm ra miếng mứt dày một chút, khi ăn vị ngọt béo đậm đà, còn dừa già hơn thì bào sợi mỏng, miếng mứt thành phẩm nhỏ nhắn đủ để nhâm nhi cùng tách trà nóng.

Món mứt dừa có tiếng cũng được bày bán nhiều trên các trang mạng xã hội, đặc biệt loại mứt dừa sên tay trên bếp củi, nồi gang giá có nhỉnh hơn thì khách vẫn chốt đơn liên tục. Mứt dừa sên tay trên bếp củi phải canh lửa than hồng, lượng đường thấm từ từ vào miếng cơm dừa, cái vị ngọt béo hòa quyện cùng mùi thơm ngào ngạt trong miếng mứt, thử qua một lần thì khó mà quên.

Cũng là món mứt truyền thống trong ba ngày tết ở Nam bộ, nhưng mứt gừng ví như mứt của ông bà già. Bởi tụi nhỏ trong nhà chỉ thích vị ngọt béo của mứt dừa, hay chua chua ngọt ngọt của mứt chùm ruột, mứt xoài…, chỉ có ông già bà cả mới ghiền cái vị cay nồng của mứt gừng. Cách làm các món mứt cũng khá tương tự nhau, gừng làm sạch, cắt thành miếng mỏng rồi sên trên bếp. Vị mứt gừng có chút ngọt, chút cay cay đọng trong miệng và nồng ấm ở mũi. Theo lời người lớn, mứt gừng không chỉ nhâm nhi cho vui miệng mà nó còn là vị thuốc dân gian. Cuối năm trái gió trở trời, hay ăn uống khó tiêu, nhai miếng mứt gừng ấm bụng, vị cay cay của gừng cũng làm cơ thể ấm hơn, tránh cảm lạnh.

Nhiều người nói mứt gừng là mứt của sự chiêm nghiệm, bởi tuổi ăn chưa no, lo chưa tới không có đứa nhỏ nào ưa cái vị cay nồng và chút ấm ấm đó. Nhưng dặm dài năm tháng trong đời, có vui, có buồn, có những va vấp để trưởng thành, bất chợt người ta thích cái ngọt của miếng mứt nhưng đọng lại cay nồng ở lưỡi và mũi. Có lẽ, phải đủ chiêm nghiệm thì phong vị ẩm thực của người ta sẽ bắt đầu sâu sắc hơn một chút.

Mùa xuân theo lịch kéo dài hẳn 3 tháng, nhưng với nhiều người, vui nhất có lẽ là những ngày giáp tết. Những ngày mà có bận cách mấy, người ta cũng dễ dàng nhận ra một năm mới sắp đến. Buổi sáng thức giấc, cảm nhận tiết trời đã se lạnh hơn một chút. Nhưng có lẽ mỗi người sẽ có riêng cho mình một mùi tết, có thể là mùi thịt kho, mùi củ kiệu, mùi mứt dừa, mứt bí. Hay đơn giản chỉ là một cái hít hà làn gió mát lành từ mé sông thổi vào, kèm chút se lạnh, tía ngồi trên bộ ngựa uống trà rồi khều khều vai má: “Tết năm nay, tụi nhỏ được nghỉ mấy ngày bà ha?”

Tin cùng chuyên mục