Thỏa thuận rõ ràng để tránh nợ khó đòi

Lúc vay mượn thì ngon ngọt, đến khi phải trả thì người vay viện đủ mọi lý do trên đời để lần lữa hoặc lơ luôn món nợ. Với những trường hợp này, cần làm gì để lấy lại số tiền đã cho vay mà vẫn đảm bảo đúng luật?
Nhiều trường hợp người làm “dịch vụ đòi nợ thuê” đã tạt sơn, chất bẩn vào nhà con nợ để gây áp lực buộc trả tiền
Nhiều trường hợp người làm “dịch vụ đòi nợ thuê” đã tạt sơn, chất bẩn vào nhà con nợ để gây áp lực buộc trả tiền

Những món nợ khó đòi

Tháng 10-2016, ông N.C.H tới gặp bà P.T.N.G (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) vay 70 triệu đồng, với lý do gia đình muốn mở rộng kinh doanh nhưng còn thiếu vốn. Ông viết giấy biên nhận nợ và hẹn trong vòng 2 tháng sẽ hoàn trả lại vốn. Nhưng ông H không trả lại tiền vốn cho bà G và cũng không thanh toán tiền lãi theo thỏa thuận, sau đó ông H viết giấy cam kết trả nợ vào ngày 1-9-2018. Tuy nhiên, sau khi viết giấy cam kết trả nợ thì ông H xin nghỉ việc và cắt đứt liên lạc. Bà G đến nhà gặp vợ ông H để yêu cầu giải quyết số tiền nêu trên thì bà này cho biết hai người đã ly thân, ông H không đưa số tiền này cho bà nên bà không đồng ý trả tiền cho bà G. Không biết làm sao, bà G đành khởi kiện ra TAND huyện Cái Nước, yêu cầu ông H phải trả 70 triệu đồng cùng tiền lãi theo quy định của pháp luật, tính từ ngày mượn nợ đến ngày tòa xét xử. 

Trường hợp của chị Lê Thị B (huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) còn trớ trêu hơn. Tháng 1-2017, vợ chồng chị H, anh K là giáo viên dạy cùng trường tiểu học hỏi mượn chị 200 triệu đồng để sửa nhà. Theo chị B trình bày thì vì tin tưởng, hai bên chỉ viết giấy tay không nêu rõ kỳ hạn, không tính lãi, chỉ thỏa thuận miệng khi nào cần tiền thì báo trước. Một năm sau, vợ chồng chị H lại cần tiền mua ô tô chở khách nên vay tiếp số tiền 300 triệu đồng. Lần này vẫn là viết giấy tay, không kỳ hạn, không tính lãi y như lần trước. Hơn một năm sau, vì gia đình có việc cần nên chị B hỏi lấy lại tiền. Nhưng vợ chồng chị H nhiều lần khất nợ không trả và nại rằng vợ chồng làm ăn thua lỗ, không có khả năng trả nợ một lần mà chỉ trả được 2 triệu đồng mỗi tháng. Chị B buộc lòng khởi kiện yêu cầu vợ chồng chị H trả 500 triệu đồng đã mượn, còn lời lãi không tính đến. 
 
Quá trình giải quyết vụ việc, vợ chồng chị H, anh K nhiều lần thay đổi lời khai. Khi thì không thừa nhận khoản vay 200 triệu đồng, khi thì nói có trả lãi đầy đủ trong suốt 3 năm. Cuối cùng cả hai thừa nhận khoản vay hai lần tổng cộng 500 triệu đồng, nhưng nhất quyết không đồng ý trả mỗi tháng 10 triệu đồng như chủ nợ yêu cầu, mà chỉ đồng ý trả 2 triệu đồng mỗi tháng. Vợ chồng anh còn muốn gán nợ cho chị B mảnh đất “trị giá 350 triệu đồng” nhưng chị B không lấy vì cho rằng, mảnh đất chỉ có giá trị 150 triệu đồng. 

Dây dưa tranh chấp

Trong vụ việc của chị B ở Thanh Hóa, cuối tháng 2 vừa qua, TAND huyện Cẩm Thủy đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc vợ chồng chị H, anh K phải trả cho chị B 500 triệu đồng; ngoài ra còn phải chịu án phí 24 triệu đồng. Kể từ khi án có hiệu lực pháp luật, chị B có đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án ra quyết định, chị H, anh K chưa thi hành số tiền phải thi hành án thì hàng tháng còn phải chịu thêm khoản tiền lãi tương ứng với số tiền chậm trả. 

Thực tế hiện nay các giao dịch vay mượn tài sản diễn ra rất phổ biến. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp vay tiền rồi “ì” ra, đòi cách nào cũng không trả, bị kiện ra tòa thì kêu nghèo kể khổ. Thậm chí có người được tòa triệu tập mấy lần không đến, kể cả khi có bản án của tòa rồi cũng chây ì không thực hiện.

Luật sư Đỗ Ngọc Oánh (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, khi tiến hành các giao dịch dân sự, trong đó có vay mượn tài sản, dù tin tưởng và thân thiết cũng cần phải có thỏa thuận rõ ràng, với các điều khoản cụ thể. Thực tế đã có nhiều trường hợp vì tin tưởng cho vay mà không có bằng chứng gì, đến khi xảy ra tranh chấp, người vay không thừa nhận thì thiệt thòi sẽ thuộc về người cho vay. 

Theo luật sư, sau khi nhận được đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án sẽ xem xét điều kiện thi hành án. Người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận, quyền tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự. Thời hạn tự nguyện thi hành án theo quy định hiện nay là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Hết thời gian này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.

Theo luật sư Đỗ Ngọc Oánh, người dân cần cân nhắc kỹ khi tìm đến các phương án thuê người đòi nợ. Trước hết, các dịch vụ này thường sẽ tốn một khoản phí không nhỏ trên tổng số tiền đòi được. Ngoài ra, nếu những người đòi nợ thuê có hành động bất hợp pháp như khủng bố, đánh đập con nợ (như báo chí đưa tin rất nhiều thời gian qua) thì người thuê cũng không tránh khỏi trách nhiệm, thậm chí là trách nhiệm hình sự. 

Tin cùng chuyên mục