Sáng 13-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp thứ 46. Theo Báo cáo của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tại phiên họp thứ 46 Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự án Luật TTQT, các ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật TTQT và cho rằng việc ban hành luật này sẽ góp phần vào việc tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế và đặc biệt là đáp ứng thực tiễn tiến trình hội nhập quốc tế trong bối cảnh nước ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Luật này không điều chỉnh các TTQT về cho vay, viện trợ của Việt Nam ra nước ngoài, về việc viện trợ phi Chính phủ của nước ngoài, về vốn hỗ trợ chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; về hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hợp đồng theo pháp luật dân sự.
Các lĩnh vực này thực hiện theo pháp luật chuyên ngành. Nói cách khác, khái niệm TTQT trong luật này được hiểu là thỏa thuận bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài không mang tính ràng buộc pháp lý theo pháp luật quốc tế.
Về chủ thể được ký kết TTQT theo dự thảo Luật, cơ quan thẩm tra cho biết, dự thảo luật quy định theo hướng UBND cấp huyện, UBND cấp xã ở khu vực biên giới có thể được ký kết các TTQT. Tuy nhiên, để bảo đảm phù hợp với năng lực, bảo đảm chặt chẽ về mặt quốc phòng, an ninh quốc gia, dự thảo Luật giới hạn một số nội dung về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Dự thảo cũng quy định gắn trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi quyết định về việc ký TTQT của UBND cấp huyện, xã ở khu vực biên giới.
Đáng lưu ý, dự thảo cũng đã bổ sung chủ thể ký kết TTQT gồm Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Lý giải thêm về việc cá nhân Việt Nam không được ký kết TTQT, song cá nhân nước ngoài có thể là một trong những bên ký kết nước ngoài (trên cơ sở kế thừa quy định của Pháp lệnh 2007), Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, theo tổng kết thực tiễn thực hiện Pháp lệnh 2007, đến nay chưa phát sinh vướng mắc. Quy định này nhằm tận dụng các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, không làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.
Về ngôn ngữ của thỏa thuận quốc tế, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo bổ sung quy định: “Thỏa thuận quốc tế phải có văn bản bằng tiếng Việt, trừ trường hợp có sự thỏa thuận khác giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài”, để thể hiện tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia theo quy định của Hiến pháp năm 2013, đồng thời bảo đảm sự linh hoạt khi ký kết các TTQT nhiều bên.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Cơ quan chủ trì thẩm tra cũng đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo rà soát, bảo đảm sự thống nhất về quy trình, thủ tục ký kết TTQT và rà soát quy định về thẩm quyền quyết định việc ký kết TTQT phù hợp với quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tòa án nhân dân, Luật Viện kiểm sát nhân dân, Luật Kiểm toán Nhà nước và các luật có liên quan.