Thỏa thuận được ký ngày 2-12, với số bên tham gia tuy chỉ chiếm hơn 1/3 tổng số thành viên WTO nhưng chiếm tới 90% thương mại dịch vụ toàn cầu. Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đã ca ngợi thỏa thuận này có ý nghĩa lịch sử, ước tính sẽ giúp giảm các chi phí liên quan đến thương mại dịch vụ lên tới 150 tỷ USD mỗi năm khi các nước đồng ý nới lỏng các quy định giúp các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô - đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) - dễ dàng tìm hiểu thị trường nước ngoài và xin phép xuất khẩu ra nước ngoài. Các SME, vốn luôn coi các thủ tục hành chính phức tạp là rào cản trong việc tiếp cận thị trường quốc tế, từ nay có thể hy vọng các đơn xin cấp phép được xử lý kịp thời qua các ứng dụng điện tử, được các cơ quan có thẩm quyền chấp nhận các bản sao chứng từ điện tử và giảm tối đa các khoản phí giấy tờ bất hợp lý.
Thương mại dịch vụ đã phát triển đáng kể trong thập niên qua và WTO ước tính lĩnh vực này chiếm khoảng một nửa thương mại thế giới. Tuy nhiên, chi phí thương mại dịch vụ cao gấp đôi chi phí thương mại hàng hóa. Một phần đáng kể của chi phí này là do sự khác biệt về quy định, cũng như các quy định không rõ ràng và các thủ tục rườm rà. Theo quy định mới, ngân hàng, công nghệ thông tin, viễn thông, kiến trúc và kỹ thuật sẽ nằm trong số các ngành dịch vụ được hưởng lợi nhiều nhất.
Cuộc đàm phán thành công tại WTO sẽ giúp cải thiện tính minh bạch và công bằng của các quy trình xin phép cung cấp dịch vụ. Trong bối cảnh WTO suốt một thời gian dài không ký kết được các thỏa thuận thương mại đa phương giữa tất cả 164 thành viên, nhóm các quốc gia với quy mô nhỏ hơn dần chuyển sang các cuộc đàm phán đa phương có chọn lọc, thỏa thuận này được xem là bước đi thành công.