Thỏa thuận trên bắt nguồn từ một sáng kiến của Ủy ban châu Âu được đưa ra vào năm 2016. Theo đó, các tập đoàn đa quốc gia có doanh số hàng năm hơn 750 triệu EUR buộc phải thông báo các khoản lợi nhuận, số lượng nhân viên và số lượng thuế nộp tại các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng như tại các vùng lãnh thổ nằm trong danh sách “các thiên đường thuế” của EU.
Bồ Đào Nha, quốc gia chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu, cùng nhiều nhóm đảng phái chính trị của Nghị viện châu Âu, trong đó có các đảng Xã hội - Dân chủ và đảng Xanh, coi đây là một tiến bộ quan trọng. Theo Bộ trưởng Kinh tế Bồ Đào Nha Pedro Siza Vieira, việc trốn thuế khiến EU thiệt hại khoảng 50 tỷ EUR hàng năm. Vì vậy, nghị sĩ đảng Xanh Damien Careme cho rằng minh bạch là công cụ cần thiết và quan trọng để chống lại nạn trốn thuế và thỏa thuận trên là bước tiến lớn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ. Những người chỉ trích bày tỏ thất vọng trước việc thỏa thuận này đã để lọt lưới hơn 80% quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thiên đường thuế nổi tiếng như Bahamas, Thụy Sĩ hay quần đảo Cayman - các khu vực mà doanh nghiệp không có nghĩa vụ phải cung cấp bất cứ thông tin nào. Nhiều tổ chức phi chính phủ như Oxfam, Tổ chức Minh bạch quốc tế… cũng cho rằng thỏa thuận này là một thất bại thực sự.
Dù vậy, thỏa thuận cho thấy rõ quyết tâm của châu Âu cùng với thế giới đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia, tấn công vào các thiên đường thuế. Cuối tháng 3, Mỹ đề xuất đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia với mức tối thiểu 15%. Ngày 7-4, ý tưởng này được nêu ra trong hội nghị của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) và rất được hưởng ứng. G-20 khẳng định mục tiêu cố gắng đạt được thỏa thuận tại hội nghị các bộ trưởng tài chính và các thống đốc ngân hàng trung ương của các quốc gia thành viên vào đầu tháng 7.
Giới quan sát nhận định 10 năm trước, hiếm ai nghĩ rằng sẽ có một ngày cộng đồng quốc tế đạt được một thỏa thuận về thuế đánh vào các tập đoàn đa quốc gia, tấn công vào các thiên đường thuế - trụ cột của chủ nghĩa tư bản tài chính. Nhưng giờ đây, dù còn gây tranh cãi, dự án quốc tế “không tưởng” này không phải không khả thi.