“Rất gần” thỏa thuận
Theo ông Borrell, các bên liên quan đang tới “rất gần” một thỏa thuận và có thể giúp khu vực Trung Đông an toàn hơn, đồng thời giảm bớt những khó khăn với nền kinh tế Iran do các biện pháp trừng phạt dầu mỏ và tài chính mà Mỹ tái áp đặt từ khi rời khỏi JCPOA 3 năm trước. “Tôi hy vọng kết quả bầu cử ở Iran không phải là trở ngại cuối cùng, vốn sẽ khiến tiến trình đàm phán bị đổ vỡ”, ông Borrell nói.
Trong khi đó, nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Iran Abbas Araqchi cũng xác nhận, Tehran và 6 cường quốc trên thế giới đã tiến gần hơn tới việc khôi phục JCPOA. Tuy nhiên, ông Araqchi cũng cho biết vẫn còn sự bất đồng và việc đạt được đồng thuận không phải dễ dàng.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nước này sẽ tiếp tục đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran cùng các đồng minh và đối tác sau khi Tehran kết thúc cuộc bầu cử tổng thống. Người này cũng cho biết các cuộc đàm phán gián tiếp tại Vienna (Áo) giữa Mỹ và Iran, được các nhà ngoại giao châu Âu làm trung gian, đã đạt tiến triển tích cực.
Nhưng không quá lạc quan
Sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA từ năm 2018 đến nay, Iran tiếp tục trở thành vấn đề nóng của Trung Đông và trên thế giới. Những tuyên bố tích cực từ EU và Iran mang đến nhiều hy vọng cho cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng không nên quá lạc quan bởi còn nhiều trở ngại từ Mỹ và Iran.
Về phía Mỹ, Tổng thống Joe Biden sẽ phải đối mặt với trở ngại của nhóm vận động hành lang chính trị trong nước. Lâu nay, các nhóm vận động hành lang của Israel ở Mỹ với đại diện là Hội đồng vấn đề Israel ở Mỹ (AIPAC) và Hội đồng người Do Thái ở Mỹ (ACJ) vẫn kiên quyết phản đối Mỹ quay lại JCPOA vì cho rằng thỏa thuận này sẽ gây nguy hại nghiêm trọng đến an ninh và ổn định của Trung Đông.
Bên cạnh sức ép của các tổ chức vận động hành lang, bất đồng trong giới tinh hoa chính trị Mỹ đối với vấn đề hạt nhân Iran cũng trở thành lực cản nội bộ cho việc Washington quay lại thỏa thuận hạt nhân. Lâu nay, các tổ chức cánh hữu của Mỹ luôn chỉ trích JCPOA, nhất là phe diều hâu của đảng Cộng hòa luôn hoài nghi thỏa thuận hạt nhân mà Iran đạt được với chính phủ của cựu Tổng thống Barack Obama. Họ cho rằng JCPOA không thể hạn chế năng lực phát triển sức mạnh hạt nhân của Iran và hiệp định này là một thảm họa. Nội bộ đảng Dân chủ cũng có bất đồng về vấn đề hạt nhân Iran. Cuối cùng, các đồng minh ở Trung Đông phản đối Mỹ quay lại thỏa thuận hạt nhân Iran tạo thành sức ép bên ngoài ngăn chặn chính phủ Tổng thống Biden thực hiện chính sách cấp tiến về vấn đề này.
Về phía Iran, việc ông Ebrahim Raisi - một nhân vật theo đường lối bảo thủ, cứng rắn, đắc cử tổng thống cũng sẽ mang đến những khó khăn không nhỏ trong quá trình đàm phán. Mục tiêu của Mỹ muốn “trả giá thấp nhất” để đổi lấy sự phối hợp lớn nhất của Iran trong vấn đề hạt nhân sẽ khó trở thành sự thật…
Các cuộc thảo luận của Ủy ban chung giám sát JCPOA, khởi động từ tháng 4 vừa qua tại Vienna, với sự tham gia của Iran, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức và EU làm cầu nối giữa Tehran và Washington nhằm đưa 2 nước trở lại tuân thủ thỏa thuận. Nhờ các cuộc thảo luận của ủy ban này, các cường quốc và Tehran bắt đầu đàm phán về việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân, trong đó Mỹ và Iran đàm phán gián tiếp. Vòng đàm phán thứ 6 đã được nối lại tại Vienna ngày 12-6. Một quan chức ngoại giao cấp cao trong Nhóm E3 (gồm Pháp, Đức và Anh) nhận định, tiến trình đàm phán nhằm khôi phục JCPOA không thể tiếp diễn một cách vô hạn định và các bên liên quan cần phải sớm đưa ra quyết định. |