Hàng trăm nhà hoạt động chống Brexit đã mang cờ EU tụ tập bên ngoài trụ sở Quốc hội Anh để mừng kết quả bỏ phiếu.
Thủ tướng Anh trước cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm
Ngay sau khi kết quả được công bố, bà May đã lên tiếng thừa nhận thất bại của Chính phủ, cho rằng Hạ viện Anh đã lên tiếng và Chính phủ Anh sẽ lắng nghe. Bà May vẫn tin tưởng rằng, thỏa thuận Brexit của bà có thể tạo cơ sở cho một thỏa thuận “ly hôn” có lợi khi Anh rời khỏi EU. Trong khi đó, các tờ báo lớn hàng đầu tại Anh coi đây là thất bại đáng hổ thẹn và đau đớn của bà May và tương lai chính trị của nữ Thủ tướng Anh đang bị lung lay bởi khả năng phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Hãng Reuters dẫn nguồn tin từ các chủ doanh nghiệp Anh cho biết, các nghị sĩ Anh đang chuẩn bị đưa ra một kiến nghị hoãn tiến trình Brexit, vốn được quy định trong Điều 50 của Hiệp ước Lisbon.
Theo đó, Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond, Bộ trưởng Kinh doanh Greg Clark và Bộ trưởng Brexit Stephen Barclay tiết lộ rằng, một kiến nghị đang được chuẩn bị nhằm trì hoãn Điều 50 và các chủ doanh nghiệp cũng đã hỏi các bộ trưởng về kịch bản Anh ra đi mà không có thỏa thuận. Nguồn tin trên cho rằng, không ai có thể biết rõ điều gì đang xảy ra, và cần chờ xem Quốc hội có đạt được sự đồng thuận nào không.
Trong khi đó, Công đảng đối lập tại Anh cho rằng, điều mà nước Anh cần lúc này là một cuộc bầu cử và một thỏa thuận mới. Nếu Anh không thể có một cuộc bầu cử, mọi phương án đều được đưa ra để cân nhắc, bao gồm một cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 về vấn đề Anh rời EU. Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon cho rằng, Thủ tướng May nên tạm dừng tiến trình Brexit và tiến hành cuộc trưng cầu dân ý thứ hai.
Nhiều kịch bản
Kết quả cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Anh có thể khiến Anh khó ra khỏi EU đúng thời hạn, dự kiến vào ngày 29-3 tới. Nhiều khả năng, Anh sẽ ra khỏi EU mà không có thỏa thuận nào, một kịch bản mà giới doanh nghiệp rất lo ngại, với nguy cơ là đồng bảng Anh sụt giá mạnh và tình trạng thất nghiệp tăng vọt.
Kịch bản thứ hai là Anh sẽ tổ chức lại trưng cầu dân ý về Brexit. Đây là yêu cầu của phe ủng hộ hợp nhất châu Âu, với hy vọng là cuộc bỏ phiếu lại sẽ đảo ngược kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-6-2016. Nếu tổ chức trưng cầu dân ý lần thứ hai, rõ ràng Anh không thể nào tuân thủ thời hạn rời EU vào ngày 29-3 tới.
Một kịch bản khác có thể xảy ra là Anh sẽ tổ chức bầu cử trước thời hạn, như yêu cầu của Công đảng đối lập. Nếu Công đảng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử này, họ dự tính sẽ thương lượng một thỏa thuận mới với EU. Nhưng trong trường hợp đó, cần phải có nhiều thời gian để làm việc này.
Các nhà lãnh đạo EU đã bày tỏ sự lo ngại sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Anh. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tuyên bố, EU sẽ tăng cường chuẩn bị cho kịch bản Brexit không có thỏa thuận.
Ông Juncker cảnh báo, việc Hạ viện Anh bác thỏa thuận Brexit đã được các Chính phủ Anh và EU đàm phán sẽ làm tăng nguy cơ Anh rời EU mà không có thỏa thuận. Ông kêu gọi phía Anh làm rõ những dự định của mình ngay khi có thể và nhấn mạnh thời gian gần như đã hết. Tuy nhiên, trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier cho biết, khối này sẵn sàng thảo luận với Anh về một thỏa thuận khác, nhưng chỉ khi London thay đổi những yêu cầu cốt lõi của mình.
Trong khi đó, nhà kinh tế học Adrian Paul thuộc ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) lại tin rằng, việc Hạ viện Anh bác thỏa thuận Brexit nhiều khả năng dẫn tới một Brexit “mềm hơn”, “chậm trễ hơn”, thậm chí là “không Brexit”.