“Không phá dỡ công trình, biến thành điểm dừng chân ngắm cảnh và không khai thác lưu trú qua đêm”, là phương án do chủ đầu tư đề xuất, được sự đồng thuận của một số chuyên gia và cũng là định hướng của tỉnh Hà Giang.
Tổ hợp công trình sai phạm tại Mã Pì Lèng từng khiến dư luận bất bình và bị ví như “vết sẹo” trên cao nguyên đá Đồng Văn đã được giải cứu ngoạn mục. Thỏa hiệp với sai phạm, câu chuyện buồn trong bảo tồn di sản lại một lần nữa được lặp lại.
Thực ra, việc thỏa hiệp với sai phạm trong bảo tồn di sản nhiều năm qua không mới. Những vụ việc như công trình “khủng” rộng tới 400m2 với kiến trúc lạ tại danh thắng Chùa Hương, tu bổ làm biến dạng di tích ở chùa Khúc Thủy có lịch sử hàng trăm năm tuổi (Quốc Oai, Hà Nội); công trình bỏ cũ xây mới cổng tam quan chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội)… đều được cho là đã xâm phạm nghiêm trọng đến di sản, song cuối cùng vẫn chỉ dừng lại ở việc phạt hành chính và cho tồn tại.
Trở lại câu chuyện về công trình không phép ngay điểm ngắm vực Tu Sản, vực nước sâu kỳ vĩ nhất Đông Nam Á. Khi sự việc được báo chí đưa, các đơn vị chức năng vào cuộc, rất nhiều công văn qua lại, nhiều cuộc họp bàn cách xử lý. UBND tỉnh Hà Giang khi đó khẳng định quan điểm và phương hướng giải quyết của tỉnh là không bao che sai phạm, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan; sẽ khắc phục những sai phạm trong xây dựng công trình theo đúng các quy định của pháp luật.
Ngày 8-10-2019, Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang trong báo cáo gửi UBND tỉnh đã đề xuất cải tạo, chỉnh trang một phần công trình gồm một tầng âm và một tầng nổi sát mặt đất phục vụ mục đích ngắm cảnh, toàn bộ 7 tầng giật cấp phía trên nhô ra phía sông Nho Quế sẽ bị tháo dỡ để cải tạo trồng cây xanh.
Song chỉ vỏn vẹn gần nửa năm sau, tháng 2-2020, nếu một lần nữa báo chí không lên tiếng về việc công trình vẫn ngang nhiên tồn tại và tấp nập đón khách, có lẽ sự việc đã trôi vào quên lãng. Mọi quyết tâm giải quyết sự việc được khởi động lại khi Bộ VH-TT-DL và tỉnh Hà Giang có văn bản qua lại.
Cuối cùng, “quyết tâm phá dỡ” hoàn toàn công trình 7 tầng này đã được bẻ lái theo hướng cho cải tạo để tiếp tục tồn tại. Đèo Mã Pì Lèng là di sản thiên nhiên thế giới, còn cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu, vì vậy, chuyện nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama xây dựng không phép không còn là câu chuyện của riêng Hà Giang. Vậy nhưng, khối bê tông 7 tầng được phép tồn tại giống như một trò đùa.
Thay vì vá lại lỗ hổng trong công tác quản lý, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan thì vết xe đổ của việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục… nhằm hợp thức hóa lại được áp dụng. Đến khi nào việc bảo vệ di sản mới vượt qua được vòng luẩn quẩn của sự thỏa hiệp?