Thơ và dấu ấn cuộc đời có thể xem như sự đánh dấu khép lại một giai đoạn sáng tác của nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh. Tác phẩm cũng mở ra một cánh cửa mới, một chặng đường của nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh, dịu dàng và lãng mạn hơn.
Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh
Nhắc đến Nguyễn Hồng Vinh, có cảm giác như nhắc đến 2 con người: Một của báo chí, của nghệ thuật và một của nhà lãnh đạo. Điều này là dĩ nhiên với một nhà báo đã từng đảm nhận những chức vụ quan trọng như: Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Đại biểu Quốc hội (khóa X, XI), Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương (nhiệm kỳ 2011 - 2016)...
Với những người làm báo, làm nghệ thuật, hẳn sẽ khó quên những lần nhà báo Hồng Vinh sắc sảo, mạnh mẽ nêu lên những thực trạng của công tác báo chí hiện nay, những tồn tại của ngành xuất bản, việc xây dựng đạo đức trong lĩnh vực báo chí, xuất bản… Thế nhưng, lại có một Hồng Vinh khác, rũ bỏ trên vai gánh nặng của người lãnh đạo để say sưa với những con chữ, những nỗi niềm của một nghệ sĩ trong các vần thơ: Tôi muốn đi về mùa thu trước/Ôm nhặt bao nhiêu lá rơi vàng/Tìm lại hình em trong bóng nắng/Khói chiều phơ phất núi đằng đông… (Bâng khuâng thu).
Nguyễn Hồng Vinh sáng tác nhiều, rất nhiều nhưng chủ yếu vẫn là các tác phẩm báo chí, chính luận, phê bình. Phải đến năm 2010, như ông tự nhận là một “nhà thơ trẻ”, ông trình làng tác phẩm đầu tay - tập thơ Từ những nẻo đường (NXB Hội Nhà văn).
Tập thơ gây bất ngờ bởi chẳng ai nghĩ một “ông Vinh” nghiêm khắc, sắc bén lại nghệ sĩ như vậy. Tập thơ được đánh giá cao bởi cách viết quen nhưng chất chứa các ý tứ lạ, đặc biệt là sự kết nối đầy khéo léo giữa chất lãng mạn thơ với chất thời sự vốn đầy khô khan.
Cách kết nối mà như nhà thơ Hữu Thỉnh khi đó nhận xét: “Chất thơ riêng của Nguyễn Hồng Vinh”.
Rồi sau đó, ông lần lượt giới thiệu các tập thơ như: Thao thức dòng đời (NXB Văn học - 2010), Nhịp điệu thời gian (NXB Văn học - 2013), Miền thương nhớ (NXB Văn học - 2013), Màu ký ức (NXB Văn học - 2015), Lãng quên thì thầm (NXB Văn học - 2016).
Bìa tác phẩm Thơ và dấu ấn cuộc đời của Nguyễn Hồng Vinh
Và mới đây nhất, Nguyễn Hồng Vinh giới thiệu đến bạn đọc yêu thơ tập thơ có nhan đề Thơ và dấu ấn cuộc đời (NXB Văn học - 2018). Tập thơ là món quà ông gửi đến đời để kỷ niệm tròn 50 năm ông bước vào nghề báo và 18 năm tham gia hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật.
Nhìn tổng thể, tập thơ có kết cấu khá đơn giản với 2 phần chính: phần đầu là Thơ với 52 bài thơ được sáng tác từ năm 2016 đến nay; phần thứ hai là Dấu ấn cuộc đời có 38 bài viết của nhiều cây viết thành danh giới thiệu thơ và phỏng vấn ông về những hoạt động văn hóa, văn nghệ, báo chí.
Đọc 52 bài thơ ở phần đầu, bạn đọc hẳn có thể thấy sự biến đổi về phong cách sáng tác của một Nguyễn Hồng Vinh nhà thơ, vẫn còn đó chất thời sự đặc trưng, nhưng nhờ chất trữ tình lãng mạn nên đã ngọt ngào, mềm mại hơn. Về mặt hình thức, các bài thơ có thể chia làm 3 dạng: thơ về gia đình, tình cảm cá nhân; thơ hoài niệm, nhớ nhung và cuối cùng là thơ mang chất thời sự.
Nhắc đến chất thời sự được xem là “đặc trưng” của ông, trong bài thơ Tản mạn đầu xuân, có những câu thơ khiến người đọc không khỏi suy nghĩ: Cửa ra vào phòng sếp/Dấu chân đè dấu chân/Quà không còn chỗ đặt!… Có người một túi xách/Bằng mười nhà tặng Dân! Thực ra, cũng đã có không ít nhà thơ viết về những vấn đề tồn tại của cuộc sống hôm nay, nhưng với Hồng Vinh, cách viết luôn khác biệt. Cách nhìn của ông không cực đoan, nặng nề, cũng không chán nản, bế tắc, đó là cái nhìn của chính người trong cuộc, nghiêm khắc nhưng lại chất chứa sự nhắc nhở: Khi đằng đông rực đỏ/Mới biết tàu lạc xa/Trong dòng đời hối hả/Sao quá nhiều sương sa?! (Vô đề 2).
Có thể nói, với những bài thơ mang chất thời sự trong tác phẩm, nhà thơ Hồng Vinh đã vượt qua chính mình, vượt qua kiểu phê phán thuần túy để có cách phê nhưng không mất đi sự hy vọng vào thay đổi tích cực.
Nguyễn Hồng Vinh dành một phần quan trọng trong tác phẩm mới để hoài niệm về một trong những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời ông - thời gian học tập tại Liên bang Xô Viết. Ông có nhiều bài thơ viết về những kỷ niệm đó như: Hơn hai mươi năm trở lại nước Nga/Trời vẫn cao xanh như ngày nào tôi đến… (Nước Nga trong tôi) hay Quên sao giờ lên lớp/Vật vã ngữ pháp Nga… (Nhớ nước Nga).
Có thể nói, những bài thơ của ông như tiếng lòng của những người Việt từng một thời du học, gắn bó với Liên Xô năm nào, nước Nga hiện nay. Không chỉ làm thơ, ông còn đóng vai trò quan trọng trong việc gắn kết mối quan hệ hữu nghị - ông hiện là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga.
Và cuối cùng, sau những trách nhiệm về xã hội, những kỷ niệm của một thời, còn lại một Nguyễn Hồng Vinh của gia đình, của chính bản thân. Ai có thể nghĩ một Hồng Vinh mạnh mẽ, đau đáu thời cuộc lại dí dỏm, dịu dàng: Nay đi học muộn/Mặt cháu tỉnh khô/Mắt không chịu mở/Bà bỏ qua cho!… (Yêu sao cháu gái), bài thơ tặng cô cháu gái chỉ mới 4 tuổi của ông.
Rồi một Hồng Vinh lãng mạn với những phút xao lòng: Thấm thoát, nay đã thành bà ngoại/Tình cờ gặp lại, quán ven đường/Gió ào từng đợt, bao lá rụng/Trời xanh ngút ngàn nỗi bâng khuâng… Nếu nhìn vào số lượng các bài thơ, về nội dung chuyển tải, có thể nói tập thơ cho thấy sự chuyển đổi của tác giả, hướng nhiều hơn đến chất trữ tình lãng mạn, bớt đi sự nặng nề khô khan của cuộc sống.
Nếu có một lời khuyên về cuốn sách này, có lẽ đó là bạn đọc nên đọc phần 2 trước. Bởi với 38 bài viết của các nhà báo, bạn bè, đồng nghiệp về ông sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn thơ ông. Bởi ở phần thơ, ông sáng tác dưới góc độ thuần túy một nhà thơ, vui với con chữ, trải lòng qua từng câu nhưng không chỗ nào viết về cuộc đời sự nghiệp của mình. Thế nhưng, nếu biết, hiểu về một Nguyễn Hồng Vinh khác, bạn đọc sẽ cảm thơ theo một cách khác, khác biệt hơn, sâu sắc hơn. Như ở bài viết của tác giả Mai Cường, bạn đọc có thể thấy một Hồng Vinh chiến sĩ, từ thời trực tiếp ở các trọng điểm trong chiến tranh với cương vị một nhà báo, đến những lúc bước vào “cuộc chiến” khác, không tiếng súng nhưng cũng không kém phần ác liệt trên mặt trận thông tin, tư tưởng.
Đọc về cuộc đời ông để thấy rằng, khác với nhiều nhà thơ khác, để có được sự lãng mạn, trữ tình, ông vất vả hơn nhiều người, bởi những lúc như thế, ông phải cố gắng đè nén một con người mang gánh nặng quản lý với những suy nghĩ thực tế, với những cái nhìn trực diện.