Đây là cuộc tranh luận không mới, thậm chí đã diễn ra ở nhiều năm trước. Thế nhưng năm nay, cuộc tranh luận với sự “lên ngôi” của mạng xã hội đã đẩy sự việc đi quá xa. Nhiều tranh luận không có cơ sở khoa học, mang tính thóa mạ, xúc phạm cá nhân trên mạng xã hội, khiến những người làm khoa học giáo dục chân chính bị tổn thương.
Nguồn cơn của cuộc tranh luận đầu năm học này xuất phát từ một đoạn clip ghi lại cảnh cô giáo hướng dẫn phụ huynh cách dạy con lớp 1 đánh vần theo sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Nhiều phụ huynh hoang mang bởi cách đánh vần “khó hiểu” với cả người lớn và trẻ em.
Sau đó, nhiều người lùng tìm cuốn sách và chụp lại nội dung của những trang sách, đưa lên các diễn đàn và tạo ra những cuộc tranh luận, thậm chí là có những người dựa vào đó để chửi bới người viết sách với lý do: cách đánh vần đó là không thể chấp nhận, làm khổ học sinh, làm mất sự trong sáng của tiếng Việt, là một sự cải lùi... Nhiều người lầm tưởng rằng đó là sự cải tiến mới mà không hiểu rõ tài liệu đó đã tồn tại gần… 40 năm qua.
So với cuốn sách tiếng Việt đại trà, thì cách tiếp cận của sách Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục có nhiều điểm khác biệt. Điểm khác biệt quan trọng nhất là cách dạy đọc, trong đó có cách dạy đánh vần. Tài liệu này dạy học đánh vần dựa trên cơ sở phân tích cấu trúc âm tiết tiếng Việt, và sử dụng các khái niệm, các thuật ngữ ngữ âm học, như nguyên âm, âm đệm, âm cuối, phân biệt rạch ròi giữa âm và con chữ. Ví dụ: ca: /cờ/ - /a/ - ca/; quê: /cờ/ - /uê/ - /quê/... Cách này đã được nhiều địa phương áp dụng và đánh giá cao hiệu quả.
Tài liệu này ra đời từ thời điểm khi đưa vào dạy ở Trường Thực nghiệm công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại sáng lập (năm 1978). Năm 1986, dưới thời Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Thị Bình, tài liệu này được khuyến khích các địa phương sử dụng, coi như một giải pháp để dạy học tiếng Việt.
Đầu những năm 2000, khi chương trình giáo dục phổ thông hiện hành được áp dụng, thì với chính sách một chương trình, một bộ sách giáo khoa duy nhất, tài liệu này không được mở rộng mà chỉ được thí điểm trong phạm vi hẹp. Năm 2006, tài liệu lại được triển khai trong khuôn khổ đề tài cấp bộ “Nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số”.
Năm 2008, sách được được thí điểm ở khoảng 20 tỉnh. Từ năm 2013, dưới thời Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, chương trình đã được triển khai ở gần 50 tỉnh, thành phố trên cả nước. Năm 2017, trước chất vấn của xã hội, đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mới cho thành lập hội đồng thẩm định. Hội đồng đã thẩm định 2 vòng và năm 2018, tiếp tục cho thí điểm đến khi có chương trình giáo dục phổ thông mới (năm học 2019 - 2020 sẽ có sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 mới).
Nhắc lại lịch sử thăng trầm của sách Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục, để thấy rằng, suốt gần 40 năm ra đời, sách đã từng được “đưa vào rồi lại rút ra” trong trường học. Dĩ nhiên, ai cũng hiểu, Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục chỉ là một tài liệu dạy học được sử dụng bên cạnh cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của Bộ GD-ĐT mà chưa công nhận như một cuốn sách giáo khoa chính thức. Song điều đáng nói là, so với cuốn sách tiếng Việt đại trà của Bộ GD-ĐT thì kỹ năng đọc thành tiếng, viết chính tả… cuốn Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục có ưu thế rất nổi bật.
Năm học này, gần 50 tỉnh, thành phố với 8.000 trường tiểu học áp dụng tài liệu, khoảng 800.000 học sinh theo học... Rõ ràng, đó là con số biết nói. Các phụ huynh có con học đều thừa nhận trẻ con biết đọc nhanh và viết không bị sai chính tả. Các địa phương sử dụng cũng khẳng định: học theo tài liệu Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục, các em thấy thoải mái: học mà chơi, chơi mà học, mạnh dạn và năng động khi tham gia các hoạt động học tập; học sinh tiếp thu ngữ âm tiếng Việt nhanh hơn, phát âm chuẩn hơn, đọc, viết chính tả chắc hơn; chất lượng đọc, viết tiếng Việt được nâng cao hơn…
Như vậy có thể thấy, mãi sau gần 40 năm cuốn sách tồn tại, Bộ GD-ĐT mới tiến hành thẩm định. Kết quả thẩm định này xã hội cũng không được tiếp cận rộng rãi. Đó là lý do mà khi xuất hiện clip về cách dạy đánh vần nói trên, nhiều người trong xã hội đã “ngã ngửa” tưởng đó là cải tiến mới của ngành giáo dục nên ra sức phản biện, tạo nên một câu chuyện đáng buồn trong những ngày qua.
Để xảy ra câu chuyện này, nhiều người đã đặt vấn đề: Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT đối với phương pháp giáo dục mà GS Hồ Ngọc Đại đã dày công theo đuổi, phổ biến mấy chục năm qua (được một bộ phận xã hội công nhận) nằm ở đâu? Bộ GD-ĐT công nhận đến đâu với những ưu nhược điểm? Đó là sách giáo khoa hay là một tài liệu thí điểm? Nếu là thí điểm tại sao lại kéo dài dai dẳng đến mấy chục năm, trên một phạm vi rộng mà chưa hề có tổng kết? Nếu là thí điểm tại sao có một số địa phương dạy 100% ở các trường tiểu học, như vậy có trái luật?... Những câu hỏi đó, đáng ra phải được Bộ GD-ĐT trả lời một cách sòng phẳng trước xã hội và GS Hồ Ngọc Đại. Ngay trong tâm bão của cuộc tranh luận, Bộ GD-ĐT đã gần như im lặng, không có chịu trách nhiệm đứng ra giải trình một cách thuyết phục với xã hội cũng như công bằng, sòng phẳng với tác giả bộ sách. Đó quả thực là điều khó hiểu!