Tâm lý chủ quan
Chiều cuối tuần, Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh, TPHCM) tấp nập người đến mua vé đi các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên. Các nhân viên bảo vệ, soát vé của bến xe liên tục nhắc nhở hành khách phải đeo khẩu trang để giữ an toàn sức khỏe nơi đông người. Ấy vậy nhưng nhiều hành khách, chưa thực hiện việc đeo khẩu trang. Ở khu vực ngồi đợi của hành khách, nhiều người thản nhiên cười nói, không hề đeo khẩu trang.
Trong khuôn viên của bến xe, nhân viên của các nhà xe giường nằm đường dài vừa tranh thủ kiểm vé của người đi xe, vừa đưa hành lý vào gầm xe, nhưng không ai đeo khẩu trang. Chị Trần Thị Như Hoa (ngụ phường 25, quận Bình Thạnh) mua vé đi Kon Tum, chia sẻ: “TPHCM yêu cầu ra đường cần phải đeo khẩu trang, tôi chấp hành ngay. Vậy nhưng, khi tham gia giao thông hay đến một số nơi công cộng ở các quận trung tâm thành phố, nhất là ở bến xe liên tỉnh, tôi vẫn thấy rất nhiều người không đeo khẩu trang, trong khi dịch bệnh vẫn còn phức tạp”.
Tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), qua ghi nhận, phần lớn người ra vào sân bay đều chấp hành đeo khẩu trang phòng dịch. Tuy nhiên, vẫn có một số người không đeo hoặc khi đeo thì tháo ra hay sử dụng không đúng cách. Còn tại bến phà An Phú Đông bắc qua sông Vàm Thuật (thuộc địa bàn quận 12), rất nhiều người chen chúc trên phà, nhưng có đến phân nửa khách không đeo khẩu trang.
Tại nhiều khu dân cư, chung cư tập trung đông hộ dân, tình trạng lơ là, chủ quan phòng dịch Covid-19 vẫn còn phổ biến, nhất là không tuân thủ đeo khẩu trang. Theo ghi nhận tại chung cư Dreamhome Residence (phường 14, quận Gò Vấp), dù cộng đồng dân cư rất đông, lên đến vài ngàn người, nhưng tại các điểm công cộng như sảnh tòa nhà, khu vui chơi, thang máy, nhiều người dân vẫn chưa chủ động trang bị khẩu trang khi tiếp xúc. Tình hình tại chung cư HQC 35 Hồ Học Lãm (phường An Lạc, quận Bình Tân) cũng không khá hơn, mọi người khá chủ quan với dịch Covid-19.
Xử phạt nghiêm
Ngày 8-10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã ký văn bản khẩn về việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới. Cụ thể, thành phố yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các biện pháp như đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đến các địa điểm đông người và trên phương tiện giao thông công cộng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người tại nơi công cộng, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc.
Thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phải tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, bảo đảm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch trong phạm vi quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. UBND TPHCM chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan cần đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch theo tình hình mới; không để xảy ra “làn sóng dịch bệnh thứ ba” trên địa bàn thành phố.
Bộ Y tế vừa hoàn tất dự thảo hướng dẫn đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng. Theo đó, các địa điểm công cộng bắt buộc đeo khẩu trang là nhà ga, bến tàu xe, siêu thị… Sau khi có quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính 1-3 triệu đồng (mức phạt cũ là 100.000 - 300.000 đồng). |
Theo Luật sư Đào Xuân Sơn, Công ty Luật TNHH Justiva Law (thuộc Đoàn Luật sư TPHCM), Nghị định 176/2013 quy định chính quyền địa phương có thẩm quyền xử phạt hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng. Chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn, công chức, viên chức ngành y tế, các cơ quan có thẩm quyền sẽ kiểm tra, xử lý người không đeo khẩu trang khi ra đường. Hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng là vi phạm: “Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”. Với diễn biến dịch Covid-19 khó lường cần triển khai xử phạt nghiêm hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng, tránh nguy cơ dịch bùng phát trở lại.