Tuy nhiên, khi màu tóc phiền muộn ganh đua sắc trắng mây trời mà vẫn nhẹ nhõm vần điệu, quả thật rất hiếm. Cầm tác phẩm Thơ lẻ do NXB Hội Nhà văn ấn hành, thấy mừng cho nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh còn nguyên nguồn cơn mơ mộng: Đêm qua trăng ghé sân nhà/ Gặp nhau/ Mới nhận ra là chị em.
Thơ lục bát Đặng Nguyệt Anh không cần cầu kỳ uốn lượn chữ nghĩa mà vẫn gây xao xuyến, cả lúc chị bày tỏ day dứt: Thần thơ Thánh chữ kiếp này/ Cũng không đổi được một ngày thảnh thơi, hoặc lúc chị thong thả bùi ngùi: Người còn hành khất/ Sông mê/ Ta về thiền/ Giữa bộn bề/ Tương tư. Một nỗ lực được nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh đưa vào thơ lục bát là ngắt nhịp để tạo ra những khoảng trống thẩm mỹ: Ngày thương mến ấy/ Đã xa/ Chiều nay mưa gió/ Một ta/ Một đò.
Cắc cớ thú vị, nếu không dùng lục bát thì thơ Đặng Nguyệt Anh có mịt mờ dư âm phía đám đông rộn ràng không? Không hề. Khi bất chợt sốt ruột rời khỏi khuôn thước lục bát, thì chị lại có những ý tứ khá mạnh mẽ và ấn tượng, để cảnh tỉnh sự tha hóa: Đồng bạc đảo điên/ Lòng người lún mãi, để nhắc nhở nỗi đắng cay: Gió đâu thốc ngược triền sông Đuống/ Chở nỗi đau này đến kiếp sau.
Nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh dịu dàng và khiêm nhường. Chị không có cao vọng chức phận và chị cũng không có mưu cầu danh lợi. Chị tự gánh lấy trách nhiệm tận tụy gắn bó với thơ “đôi khi phải mài nhan sắc để được những câu thơ đến với người đọc và ở lại trong lòng họ”. Chị chắt chiu từng khoảnh khắc: Tóc thơm hương bưởi/ Trên vai nắng gầy để không ngừng thao thức tìm kiếm tri âm: Đường ơi/ Sao lắm nẻo đường/ Lòng ơi/ Sao lắm tơ vương hỡi lòng?
Hành trình thơ của nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh không vụt sáng, không chói gắt. Chị bền bỉ chinh phục độc giả qua từng tập thơ Trường ca Mẹ, Nếu anh biết được, Sông Ninh, Bâng khuâng chiều, Ru lời ngàn năm, Trời em áo lụa... Và chị đã trở thành một tác giả có công chúng của riêng mình.
Ở tuổi 75, nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh bộc bạch: Mải mê thơ phú, thành thơ thẩn/ Nặng gánh văn chương, nhẹ bước trần/ Bạc tiền, danh lợi đều không hám/ Suốt đời thanh thản tích nghĩa nhân…