Tại hội nghị tổng kết ngành chăn nuôi năm 2023 của Bộ NN-PTNT, tổ chức chiều 19-12 ở Hà Nội, ông Sơn đã lo lắng về thực trạng nhập siêu các loại thịt.
Theo ông, tình trạng nhập siêu sản phẩm chăn nuôi đang có chiều hướng tăng cao. Trong đó, lượng thịt heo nhập ngoại năm 2023 đã tăng tới 85% so với cùng kỳ năm ngoái, thịt trâu bò cũng tăng 56%, còn lượng thịt gia cầm vẫn nhập trên 200.000 tấn (tương đương năm ngoái). Tình trạng này đã và sẽ tiếp tục gây áp lực rất lớn cho hoạt động chăn nuôi trong nước.
Trong khi đó, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) báo cáo, mặc dù phải đối mặt nhiều khó khăn như giá heo hơi thấp, chi phí chăn nuôi an toàn sinh học và phòng chống dịch cao, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao; tình trạng nhập lậu sản phẩm chăn nuôi qua biên giới vẫn nóng… nhưng tình hình chăn nuôi hiện nay vẫn được đảm bảo ổn định về tổng đàn, không có biến động lớn.
Ước tính cả năm 2023, tổng sản lượng thịt hơi các loại của cả nước đạt trên 7,6 triệu tấn, tăng 3,5%. Trong đó, sản lượng thịt heo hơi là 4,68 triệu tấn; thịt gia cầm là 2,24 triệu tấn; thịt trâu, bò là 630.000 tấn và khoảng 50.000 tấn thịt dê, cừu các loại. Sản lượng trứng ước đạt 18,98 tỷ quả, tăng 3,9% và sản lượng sữa tươi ước đạt trên 1,2 triệu tấn, tăng 7,2% so với năm 2022.
Đề cập vấn đề thịt ngoại tràn vào nội địa, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) thông tin, thịt ngoại vào nội địa có một phần là thịt nhập lậu qua biên giới, tình hình diễn biến còn phức tạp. “Mong muốn trong thời gian tới, các hiệp hội, doanh nghiệp thông tin cho Cục Thú y để phối hợp ngăn chặn tình trạng này”, ông Minh nói.
Cục Thú y sẽ tăng cường kiểm soát các sản phẩm động vật nhập khẩu chính ngạch theo quy định của Việt Nam cũng như quốc tế.