Logistics - mắt xích quan trọng trong xuất khẩu nông sản
Hiện nay, các mặt hàng nông sản của Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, tuy nhiên giá trị xuất khẩu vẫn chưa cao, một phần lớn do những hạn chế trong hoạt động logistics. Các doanh nghiệp sản xuất, thu mua, vận chuyển, chế biến nông sản thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất vận hành chuỗi cung ứng lạnh khiến nông sản bị tổn thất, hao hụt cả về lượng và chất. Nhu cầu về dịch vụ giao nhận - vận chuyển và bảo quản lạnh phục vụ xuất khẩu ngày càng cao, trong khi chuỗi cung cứng logistics còn khiêm tốn, chưa tập trung không đáp ứng đủ nhu cầu nên các doanh nghiệp đang phải chịu thêm nhiều chi phí.
Tại Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản các tỉnh khu vực miền Trung vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó đề xuất xây dựng hệ thống cung ứng nông sản theo chuỗi trên nền tảng logistics hiện đại. Đây là điều kiện quan trọng để đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu của vùng, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 khiến hàng hóa bị tắc nghẽn. Tuy nhiên, đầu tư vào chuỗi cung ứng lạnh là cần chi phí lớn, đòi hỏi cao về khoa học công nghệ. Do đó, dù nhu cầu cao và mang tính cấp thiết nhưng không nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, khai thác thị trường tiềm năng này.
Để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, Thilogi đã đầu tư xây dựng mạng lưới logistics phục vụ xuất khẩu hàng lạnh với đầy đủ hệ thống bảo quản, bãi container, phương tiện vận tải chuyên dụng đường bộ, đường biển, dịch vụ cảng… Cảng Chu Lai - Quảng Nam (thuộc Thilogi) đã trở thành cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hóa mới tại miền Trung, đáp ứng đa dạng các yêu cầu xuất khẩu hàng lạnh của khách hàng. Tại cảng Chu Lai, Thilogi đầu tư hệ thống bảo quản lạnh với công nghệ hiện đại giúp kiểm soát và đảm bảo chất lượng.
Đồng thời, Thilogi thiết lập quy trình giao nhận - vận chuyển khoa học, đầu tư đội xe chuyên dụng và container với số lượng lớn, đáp ứng các yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, độ thông gió và nhiệt độ bảo quản phù hợp với từng loại nông sản trong suốt chuyến đi. Mô hình vận chuyển đối lưu hai chiều gồm vận chuyển nông sản từ các vùng trồng (tại Lào, Campuchia, Gia Lai, Đắc Lắc…) về các cảng biển để xuất khẩu và vận chuyển vật tư nông nghiệp tới các vùng trồng đã giúp tối ưu hóa hiệu quả khai thác phương tiện, giúp tiết kiệm thời gian và giảm đáng kể chi phí cho khách hàng.
Đáp ứng nhu cầu xuất khẩu với sản lượng lớn
Thilogi hiện là đối tác cung ứng dịch vụ xuất khẩu nông sản với sản lượng lớn cho nhiều doanh nghiệp trên cả nước, góp phần phát triển thị trường chuỗi cung ứng lạnh vốn đang bị bỏ ngỏ, gia tăng lợi thế cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu. Chỉ tính riêng phục vụ logistics trọn gói cho đối tác chiến lược là Thagrico và HNG - đơn vị xuất khẩu lượng lớn và thường xuyên qua cảng Chu Lai, trung bình hơn 1.000 container/tháng. Trong năm 2021, Thilogi đã vận chuyển hơn 26.400 container (40 feet) nông sản, tăng 70% so với năm 2020, chủ yếu là trái cây và vật tư nông nghiệp từ các nông trường về cảng Chu Lai, cảng Cát Lái (hoặc đến các cửa khẩu trung chuyển phía Bắc) để tiếp tục thực hiện thủ tục xuất khẩu đến Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản... Dự kiến năm 2022, công ty sẽ vận chuyển hơn 37.000 container hàng nông sản phục vụ nhu cầu xuất khẩu của nông dân và các doanh nghiệp. Với sản lượng đảm nhận lớn như hiện nay, Thilogi được xem là một trong những đơn vị có hoạt động logistics hiệu quả và sôi nổi trên thị trường.