Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) ngồi tù oan suốt 10 năm ròng đã trở thành sự việc chấn động dư luận thời gian qua. Làm thế nào để giảm án oan sai là nội dung được ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, trao đổi với phóng viên Báo SGGP.
- Phóng viên: Theo ông, án oan sai là do đâu?
>> Ông ĐINH XUÂN THẢO: Theo tôi, nguyên nhân dẫn đến oan sai trước hết do trình độ, năng lực của cán bộ tham gia công tác tố tụng, từ khâu điều tra, truy tố, xét xử. Tiếp đến là do sự thiếu trách nhiệm của người cán bộ. Trong quá trình điều tra, chỉ nhằm tìm chứng cứ để buộc tội mà không tôn trọng tính chất khách quan của vấn đề, của vụ việc. Ngoài ra, còn do những vi phạm pháp luật về hoạt động tố tụng từ khâu bắt giữ, khám xét, truy tố đến điều tra, xét xử.
Đặc biệt, khi xét hỏi đã có hiện tượng mớm cung, bức cung, ép cung, dùng nhục hình khiến đối tượng sợ hãi phải miễn cưỡng nhận tội, dù họ không có tội. Trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn là rất rõ về điều này. Đến khâu truy tố, có trường hợp không xem xét kỹ hồ sơ, chỉ dựa vào căn cứ trong hồ sơ. Khi oan sai, người ta kêu oan, không nhận tội thì cơ quan hữu quan cũng không thận trọng xem xét mà cho là ngoan cố dẫn đến áp đặt, quy kết cho đối tượng. Thậm chí, trong nhiều trường hợp việc kêu oan còn bị coi là thái độ ngoan cố, bị coi đó là tình tiết tăng nặng.
Mặt khác, xét xử ở ta không tôn trọng vai trò của luật sư dù Hiến pháp, pháp luật quy định quyền bào chữa của bị can, bị cáo. Lẽ ra ngay từ khâu bắt giữ, bị can đã có quyền mời luật sư. Điều này đã hạn chế quyền của người bị giam giữ, của bị can. Vì thế bị can thường sợ, bị áp lực, mất bình tĩnh trong khai nhận. Nếu có luật sư thì họ sẽ được giúp đỡ rất nhiều trong khâu điều tra, giúp cho tính chất khách quan của vụ án tốt hơn, giúp hạn chế được oan sai.
- Ngoài những nguyên nhân như ông đã phân tích, dư luận cho rằng còn do nguyên nhân chạy án, thưa ông?
Trong giai đoạn hiện nay, đúng là có biểu hiện chạy án. Đã có trường hợp dùng tiền để mua chuộc cán bộ tham gia tố tụng, gây sự sai lệch trong kết quả điều tra, cũng có thể dẫn đến oan sai cho một số người. Ở đây, chúng ta thấy có sự tác động của đồng tiền, của mặt trái cơ chế thị trường đối với hoạt động tố tụng.
- Để hạn chế oan sai, theo ông, cần bắt đầu từ đâu?
Thứ nhất, người cán bộ tham gia tố tụng phải được đào tạo, rèn luyện một cách bài bản, chặt chẽ. Trình độ của đội ngũ cán bộ này phải cao, nắm chắc pháp luật, tôn trọng thực tế khách quan, tôn trọng pháp luật. Cùng với đó, đạo đức, lập trường của họ phải được nâng cao ở tất cả các khâu từ điều tra, truy tố, xét xử. Làm cán bộ tố tụng, tinh thần trách nhiệm phải được đặt lên hàng đầu. Điều này đòi hỏi các trường đào tạo tư pháp cũng phải chú trọng việc đào tạo chuyên môn và phẩm chất đạo đức cho họ.
Thứ hai, phải có cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra chéo giữa các khâu (điều tra, truy tố, xét xử) của cơ quan tố tụng để sớm ngăn chặn sai sót. Về mặt pháp luật, phải rà soát lại các quy trình về tố tụng cho thật chặt chẽ, nhất là phải nâng cao vai trò của luật sư cũng như vấn đề tranh tụng đối với các vụ án, không chỉ tại tòa mà ở cả các giai đoạn điều tra.
- Theo ông, để khắc phục oan sai, ngoài những giải pháp như ông nói, phải chăng cũng cần xử lý thật nghiêm minh những sai phạm để dẫn đến oan sai?
Chắc chắn phải thế. Phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm trong hoạt động tố tụng, dẫn đến những oan sai. Phải xử lý thật nghiêm minh mới khắc phục được những tồn tại hiện nay về công tác tư pháp nói chung cũng như công tác điều tra, truy tố, xét xử nói riêng. Với các vụ án xảy ra, tôi cũng đề nghị phải tiến hành điều tra sớm, thận trọng, đúng người, đúng tội để tránh oan sai. Vừa qua, Quốc hội rất quan tâm, thảo luận mạnh mẽ về vấn đề này. Tôi hy vọng vấn đề khắc phục án oan sai đã được đặt ra đúng lúc, đúng hướng, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.
- Trở lại với vụ oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn, theo ông, cần xử lý những sai phạm của những người tham gia tố tụng ra sao?
Vấn đề bây giờ là phải thực hiện bồi thường nhà nước đối với ông Chấn. Phải xem lại toàn bộ các khâu từ điều tra, truy tố, xét xử để có xử lý nghiêm minh với các sai phạm. Sai ở khâu nào thì khâu đó chịu trách nhiệm. Theo quy định hiện nay, ở giai đoạn cuối cùng là ra tòa xét xử, nếu tòa không phát hiện những sai sót trước đó thì tòa phải chịu trách nhiệm, ở đây là những người liên quan trực tiếp đến xét xử ông Chấn. Với khâu xét xử là thế. Còn ở giai đoạn điều tra, nếu đúng như lời khai của ông Chấn là có chuyện điều tra viên ép cung thì có thể khởi tố thành vụ án để điều tra. Vì đây là điều không thể chấp nhận được, hành vi ép cung là vi phạm pháp luật.
- Dư luận đang đặt câu hỏi: suốt 10 năm ròng rã ông Chấn và gia đình kêu oan, rất nhiều thư kiến nghị đã được gửi đi nhưng mãi rơi vào im lặng. Phải chăng có bệnh vô cảm với nỗi đau của người dân ở trong bộ máy của chúng ta?
Đúng là đã có hiện tượng đó. Nguyên nhân chính như tôi đã nói ở trên là trách nhiệm, đạo đức của không ít cán bộ “có vấn đề”. Nếu như dân kêu oan thì cán bộ phải có trách nhiệm xem xét. Nhưng đang có tình trạng coi xét xử xong là thôi. Đây là hồi chuông báo động về sự thiếu trách nhiệm, vô cảm trong bộ máy cán bộ công vụ nói chung, công tác tư pháp nói riêng.
PHAN THẢO (thực hiện)
- “Kỳ án” 10 năm tù oan: 6 điều tra viên làm tường trình