Như Báo SGGP đã phản ánh, ấn phẩm Sách chữ to - Thơ cho bé tập đọc (Công ty TNHH An Phước Books Việt Nam liên kết với NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành), đã sử dụng thơ của một số tác giả như Khúc Hồng Thiện, Đinh Hạ, Hồ Huy Sơn… mà chưa có sự cho phép. Khi tác giả Khúc Hồng Thiện lên tiếng, đơn vị trên thông báo sẽ gửi 10 cuốn sách biếu và nhuận bút 140.000 đồng cho 2 bài thơ. Tuy nhiên, sau gần 20 ngày, tác giả Khúc Hồng Thiện mới chỉ nhận được sách biếu, còn nhuận bút vẫn chưa thấy đâu.
Bài thơ Chú bò soi gương của tác giả Hữu Vi in trong ấn phẩm Đồng dao - Thơ - Truyện cho bé tập nói (Đại Mai Books và NXB Phụ nữ Việt Nam), sau đó còn xuất hiện trong cuốn sách khác là Thơ cho bé tập nói (Đại Mai Books và NXB Phụ nữ Việt Nam). Hai lần bài thơ Chú bò soi gương in trong sách, tác giả Hữu Vi đều không biết. Anh cho biết: “Mãi đến năm 2022, tình cờ phát hiện cuốn Đồng dao - Thơ - Truyện cho bé tập nói in bài thơ của mình, tôi có phản ánh trên trang cá nhân thì có một người quen cũ liên hệ và trả 300.000 đồng tiền nhuận bút. Vì cả nể nên lúc đó tôi cho qua. Tuy nhiên, gần đây tôi phát hiện bài thơ trên tiếp tục in trong cuốn Thơ cho bé tập nói mà không có sự liên hệ nào. Là một tác giả, tôi cảm thấy bức xúc vì không được tôn trọng”.
Năm 2004, Việt Nam gia nhập Công ước Berne về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, đến nay đã 20 năm. Chúng ta cũng đã có Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Xuất bản, điều cơ bản nhất là bất cứ hành vi sử dụng tác phẩm mà chưa có sự cho phép từ tác giả, đều là vi phạm bản quyền. Lúc đó, các đơn vị sẽ phải bồi thường thiệt hại cho tác giả, chứ không phải đến khi bị phát hiện mới trả nhuận bút như một sự ban phát.
Mọi lời bao biện đều rất mong manh, trong khi về nguyên tắc, chưa có sự đồng ý của tác giả thì không cá nhân, tổ chức nào được phép sử dụng tác phẩm. Chưa kể, trong thời đại ngày nay, để tìm kiếm thông tin của một tác giả nào đó là hoàn toàn không khó. Quan trọng là các đơn vị này có muốn sống và làm việc theo pháp luật hay không mà thôi!