Tại cuộc làm việc của Đoàn giám sát "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/QH17/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông" với Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội ngày 10-3, lãnh đạo nhà trường cho biết, do chưa có đơn vị cung cấp sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh khiếm thị nên việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho đối tượng học sinh khuyết tật đang gặp khó khăn.
Theo Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu Nguyễn Thị Tuyết Mai, trường hiện có 167 học sinh khiếm thị trong tổng số 1.519 học sinh. Tuy nhiên, do chưa có đơn vị cung cấp sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh khiếm thị nên 2 năm qua, sách giáo khoa không được cung ứng kịp thời cho học sinh. Nhà trường đã tổ chức in sách giáo khoa chữ nổi lớp 1, 2, 3 và lớp 6, 7 cho học sinh khiếm thị của cả hai khối tiểu học và THCS; song sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh khiếm thị hiện nay vẫn thiếu.
Một trong những khó khăn là kinh phí phân bổ về trường chưa đáp ứng nhu cầu, công tác xã hội hóa có nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, trường không được cấp kinh phí mua giấy in nhiệt, giấy in chữ nổi in sách giáo khoa mới cho học sinh khiếm thị… Trong khi đó, 1 cuốn sách in thường chuyển sang in chữ nổi sẽ thành 6 - 8 tập; giấy in chữ nổi và in nhiệt đều có kinh phí cao - khoảng hơn 14 triệu đồng cho 1 bộ sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh khiếm thị lớp 1; 1 bộ sách lớp 6 khoảng 18 triệu đồng.
Hơn nữa, các bộ sách mẫu và chế bản phát hành chậm, các đơn vị chuyển đổi không kịp thời gian; nhà trường không có chế bản đầy đủ của cả 3 bộ sách để tự thực hiện công tác in sách giáo khoa.
Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng ban hành nghị định quy định về kinh phí và đơn vị cung cấp sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh khuyết tật; có văn bản chỉ đạo về chế độ, chính sách cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật tại các quận/huyện; hỗ trợ học bổng và mua sắm phương tiện học tập cho học sinh khuyết tật…
Trường cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT thành lập Trung tâm hỗ trợ trẻ khuyết tật của Hà Nội và các địa phương để bảo đảm cho trẻ đa tật (vừa khiếm thị, vừa tự kỷ, tăng động, chậm phát triển trí tuệ...) được chăm sóc, giáo dục, can thiệp kỹ năng đầy đủ. Đề nghị UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp trường học tiến tới đạt chuẩn quốc gia, đầu tư xây dựng thêm hệ thống phòng học (khoảng 10 phòng), phòng chức năng còn thiếu, đáp ứng nhu cầu mở rộng trường lớp; xây mới khối lớp học chức năng, cải tạo khối lớp học xuống cấp…