Đủ kiểu vi phạm
Thời gian gần đây, trên thị trường chứng khoán phát sinh hàng loạt vi phạm bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt. Lỗi thường bị xử lý nhất là công bố thông tin không đúng thời hạn. Mới đây, thanh tra của UBCKNN đã phạt Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng BDC Việt Nam (mã chứng khoán: MCO) 50 triệu đồng về vi phạm trên.
Công ty Passion Investment cũng bị phạt 62,5 triệu đồng vì báo cáo không đúng thời hạn. Cụ thể, tháng 5-2017, Công ty Passion Investment mua 3.900 cổ phiếu của Công ty cổ phần Vitaly (mã chứng khoán: VTA), dẫn đến tỷ lệ sở hữu sau giao dịch là 400.000 cổ phiếu, chiếm 5% số cổ phiếu đang lưu hành có quyền biểu quyết của Công ty Vitaly, trở thành cổ đông lớn của VTA. Đến tháng 8-2017, Công ty Passion Investment bán 50.000 cổ phiếu VTA, dẫn đến tỷ lệ sở hữu giảm xuống dưới 5% và không còn là cổ đông lớn của VTA, nhưng phải đến tháng sau, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội mới nhận được giải trình và báo cáo về thay đổi sở hữu cổ đông lớn của công ty.
Lâu nay, hầu hết đối tượng vi phạm bị xử lý là các công ty, nhưng gần đây, nhiều cá nhân cũng có vi phạm bị xử phạt. Đình đám nhất là vụ bà Đỗ Thị Cẩm Thúy bị phạt gần 10 tỷ đồng vì thao túng cổ phiếu của công ty khác. Cụ thể, cá nhân này đã mở một tài khoản chứng khoán và nhờ 15 người khác mở 28 tài khoản chứng khoán tại 4 công ty chứng khoán để giao dịch. Các tài khoản này liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu SPI.
Ngoài ra, mới đây, ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vận tải và dịch vụ hàng hải, bị phạt 60 triệu đồng vì không tuân thủ đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ về quản trị công ty. Cụ thể, ông Quý là chủ tọa đoàn tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 của công ty, ký biên bản, nghị quyết đại hội cổ đông thường niên năm 2016 có nội dung không chính xác so với tờ trình được đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 thông qua về nguồn vốn thực hiện phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ chủ chốt.
Những vi phạm đó cho thấy, thị trường chứng khoán phát sinh nhiều vấn đề, ngày càng phức tạp hơn.
Đầu tư 10 năm không có lãi
Chính những xảo thuật của các công ty lên sàn đã gây rủi ro cho nhà đầu tư.
Theo quy định, công ty đại chúng phải có lợi nhuận tốt liên tục nhiều năm trước đó; thế nhưng, nhiều công ty sau khi IPO, lên sàn xong thì lại lỗ liên tục. Đó là tình trạng “đánh bóng” để bán cổ phần rồi mới phát hiện “sức khỏe” kém, để cổ đông phải gánh chịu. Điển hình là Công ty cổ phần Khóa Minh Khai. Sau 12 năm cổ phần hóa, tất cả các cổ đông của công ty từ đó đến nay chưa nhận được một đồng cổ tức nào, và công ty liên tục thông báo lỗ.
Trong khi đó, trên thị trường thì thương hiệu công ty này khá nổi tiếng. Ngay cả tình hình hoạt động kinh doanh, tài chính của công ty đại chúng, theo quy định phải công bố công khai, nhưng ngay trên website công ty cũng không có. Do vậy, các cổ đông đã gửi đơn kiến nghị Bộ Xây dựng, Tổng công ty Cơ khí xây dựng thanh tra làm rõ nguyên nhân yếu kém tại Công ty cổ phần Khóa Minh Khai; xem xét, kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo công ty trong việc để xảy ra thua lỗ kéo dài, thay nhân sự mới để có giải pháp giúp công ty phục hồi kinh doanh, tránh thiệt hại cho các cổ đông, trong đó có cổ đông nhà nước. Cổ đông còn cho biết, dù cuối năm 2015 công ty có lãi, do được chia lợi nhuận từ dự án bất động sản Sky Light, nhưng công ty vẫn không chia cổ tức.
Điều đáng nói, việc thua lỗ kéo dài của các công ty chưa được pháp luật quy định phải “rời sàn”, cũng như việc không chia cổ tức dù có lãi cũng không bị pháp luật điều chỉnh. Ngay cơ chế chi trả cổ tức, hiện nay được xác định như chuyện nội bộ của doanh nghiệp, do các cổ đông quyết định tại đại hội đồng cổ đông. Do vậy, nhiều nhà đầu tư kiến nghị, cần bổ sung quy định thời hạn trả cổ tức đối với những công ty có lãi. Chẳng hạn như quy định rõ phải chia cổ tức chậm nhất trong vòng 2 tháng sau đại hội cổ đông, nếu chậm thì phạt vi phạm, phạt lãi chậm chi trả và số tiền đó phải do giám đốc, tổng giám đốc bồi thường.