Thuật ngữ QRTD lần đầu tiên xuất hiện trong Điều 8 Bộ luật Lao động 2012 về các hành vi nghiêm cấm, được xác định là căn cứ để người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, trong bộ luật này không có bất cứ chế tài nào khác để xử lý người có hành vi QRTD.
Năm 2015, được sự giúp đỡ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Bộ LĐTB-XH đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố Bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc, trong đó định nghĩa: “QRTD là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng đến tâm lý của nữ giới, nam giới. Đây là hành vi không được chấp thuận, không mong muốn và không hợp lý, xúc phạm đối với người nhận, tạo môi trường bất ổn, đáng sợ và thù địch”. Đồng thời, bộ quy tắc ứng xử này liệt kê các hình thức QRTD, có thể là bằng sự va chạm thân thể, bằng lời nói hoặc bằng hành vi phi lời nói (ngôn ngữ cơ thể không đúng đắn, phơi bày tài liệu khiêu dâm).
Hiện nay, vì không có quy định cụ thể về hành vi QRTD, nên hành vi có tính chất tương tự thường được sử dụng để thay thế là “xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”. Khi gặp hành vi này, nạn nhân có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, cung cấp, giao nộp tài liệu chứng cứ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Tuy nhiên, trên thực tế hành vi này không dễ chứng minh. Và cho dù có chứng cứ cũng khó có thể áp dụng quy định pháp luật để xử lý.
Pháp luật dân sự chủ yếu áp dụng nguyên tắc tôn trọng sự tự nguyện, thỏa thuận của các bên và hạn chế việc xung đột với quy định của pháp luật thuộc lĩnh vực khác, nên hầu như các quy định thường có nội dung “người thực hiện hành vi trên phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân theo thỏa thuận hoặc theo pháp luật hiện hành”. Pháp luật hình sự quy định về tội “làm nhục người khác” và định nghĩa hành vi này là xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác, nhưng thế nào là “nghiêm trọng” thì chưa được pháp luật hình sự quy định và hướng dẫn chi tiết. Trong khi đó, pháp luật hành chính lại quy định quá nhẹ cho việc xử lý hành vi này, chỉ phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng.
Đơn cử như vụ việc xảy ra trong thang máy chung cư Golden Palm (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Công an quận Thanh Xuân đã xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi cưỡng bức để hôn, sàm sỡ phụ nữ trong thang máy chung cư này với chứng cứ là camera giám sát tại hiện trường. Đơn vị này đã áp dụng điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt về hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác để xử phạt đối tượng Đỗ Mạnh Hùng với số tiền 200.000 đồng. Đồng thời, Công an quận Thanh Xuân cũng tiến hành lập biên bản yêu cầu Đỗ Mạnh Hùng cam kết không tái phạm hành vi tương tự. Vụ việc diễn ra tại thủ đô của Việt Nam, nơi có nền văn minh phát triển, dân trí cao, thế nhưng mức phạt chỉ dừng lại ở 200.000 đồng. Mức phạt thấp đến… vô lý, nhưng vẫn phải áp dụng, vì không trái với quy định của pháp luật hiện hành. Nhưng thử hỏi liệu mức phạt như vậy đã đủ để răn đe những kẻ dự định gây ra hành vi tương tự và có xoa dịu tinh thần của nạn nhân?
Để hạn chế nạn QRTD, cần xem xét quy định rõ thế nào là mức độ “nghiêm trọng” trong pháp luật hình sự để có cơ sở áp dụng, đồng thời nâng mức xử lý vi phạm hành chính. Sau đó, tích cực tuyên truyền hơn nữa các quy định pháp luật liên quan đến những hành vi vi phạm, kêu gọi người dân tuân thủ quy định pháp luật. Việc tuyên truyền cũng cần được thực hiện rộng rãi đến cả vùng sâu vùng xa.