Cụ thể, năm 2015 có 437 vụ gãy nhánh, 184 cây ngã; năm 2016 có 590 vụ gãy nhánh, 237 cây ngã; năm 2017 có 616 cây gãy nhánh, 444 cây ngã, gây ra 27 vụ tai nạn khiến 11 ô tô, 3 xe máy hư hỏng, sập 2 mái nhà và làm 3 người bị thương. Ngoài ra, còn nhiều vụ cây gãy, ngã ở địa bàn do các quận, huyện quản lý mà chưa thống kê được.
Để đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão, các đơn vị có trách nhiệm đã tiến hành tỉa cành, cắt nhánh cho nhiều cây xanh. Trong năm 2017, Công ty Công viên Cây xanh TPHCM đã cắt thấp 155 cây, đốn - cải tạo 2.365 cây tạp - cây sâu bệnh, chống sửa 194 cây nghiêng.
Năm 2018, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dự báo tình hình thời tiết có những diễn biến phức tạp, bất thường, công ty đã lập nhiều tổ trực theo địa bàn, sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố cây xanh gãy, đổ.
Tỉa nhánh cây xanh tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Ở góc độ quản lý nhà nước, Sở GTVT TPHCM đã có văn bản gửi các Khu Quản lý giao thông, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên Sài Gòn... yêu cầu thực hiện nghiêm các phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào TPHCM.
Các đơn vị lập kế hoạch tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống cây xanh trên đường phố, công viên để đốn hạ những cây có dấu hiệu như sâu bệnh, già cỗi, sam thân, bọng gốc, nghiêng nguy hiểm.
Trong đó đặc biệt chú trọng những cây có hệ rễ bị xâm hại do việc thi công các công trình nâng cấp vỉa hè, cấp thoát nước, điện lực, viễn thông… tại những tuyến đường nhiều phương tiện tham gia giao thông, khu vực thường tập trung đông người.
Tuy có kế hoạch cụ thể như vậy song Công ty Công viên Cây xanh cho biết đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực thi nhiệm vụ. Nhiều phương tiện làm việc đã được trang bị cách đây hơn 14 năm và sắp hết hạn lưu hành, thường xuyên hư hỏng.
Công ty không có máy phát điện ứng phó trong mưa bão, mà chỉ “tận dụng” ánh sáng từ đèn ô tô và đèn chiếu sáng cầm tay nên hạn chế tầm nhìn, hiệu quả làm việc không cao.