Theo Bộ GTVT, chất lượng phương tiện giao thông là một trong những yếu tố gây tâm lý lo ngại nhiều nhất đối với du khách trong và ngoài nước. Ở lĩnh vực đường bộ, phương tiện ô tô du lịch chất lượng cao, tiện nghi hiện mới chỉ chiếm dưới 10% tổng số lượng phương tiện, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Ở lĩnh vực đường thủy, phương tiện vận tải khách phát triển rất manh mún, chất lượng và điều kiện an toàn thấp.
Đặc biệt, hoạt động vận chuyển khách tại các khu, điểm du lịch khép kín chủ yếu là các phương tiện thô sơ, sức chở dưới 12 người, bao gồm thuyền, thuyền thúng... là nhóm phương tiện chưa có quy định cụ thể về việc kiểm định chất lượng và bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, một số loại hình vận chuyển khách du lịch mới như tàu hỏa leo núi, hệ thống cáp treo, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ hoạt động trong khu vực hạn chế cũng chưa được quản lý chặt chẽ.
Do chất lượng phương tiện kém, đã có không ít vụ tai nạn xảy ra đối với khách du lịch trong thời gian qua, ví dụ như vụ cháy tàu du lịch Hạ Long, Quảng Ninh, chìm tàu chở khách tham quan trên sông Hàn, Đà Nẵng, cháy ô tô du lịch tại Lâm Đồng, Hải Phòng, Lào Cai…
Không chỉ bất cập về phương tiện, giao thông phục vụ du lịch còn đang bị hạn chế về hạ tầng, nổi bật là vấn đề điểm đón trả khách đường bộ và đường biển. Hiện các đô thị đều không có bến riêng phục vụ đón trả khách du lịch, dẫn đến tình trạng bến cóc, xe dù tràn lan. Đặc biệt, toàn bộ hệ thống cảng biển Việt Nam hiện nay đều được thiết kế phục vụ vận tải hàng hóa, chưa có cảng biển chuyên dụng phục vụ hành khách, ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch của Việt Nam. Các tàu du lịch quốc tế đến Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, TPHCM… đều sử dụng hạ tầng cảng biển tổng hợp để tiếp nhận hoặc thông qua cảng nổi.
Trong đề án “Kiểm soát chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn giao thông cho khách du lịch” đang được xây dựng, dự kiến sẽ trình Chính phủ vào tháng 2-2019, Bộ GTVT khuyến khích phát triển đoàn xe chở khách du lịch theo hướng hiện đại, tiện nghi, an toàn, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách quốc tế.
Với đường sắt, từ nay đến năm 2025, Bộ GTVT sẽ khuyến khích ưu tiên đầu tư mới hệ thống toa xe chất lượng cao trên các tuyến có lượng khách du lịch đi lại lớn như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Vinh, TPHCM - Nha Trang - Quy Nhơn. Bộ GTVT cũng đặt ra lộ trình đến 2020 sẽ bắt buộc các phương tiện phục vụ du lịch phải lắp đặt camera giám sát, thiết bị báo cháy, chữa cháy tự động, thông tin hướng dẫn về bảo đảm an toàn, đường dây nóng phản ánh tiêu cực... bằng song ngữ Việt - Anh.
Bên cạnh đó, các hoạt động của phương tiện vui chơi giải trí dưới nước, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, tàu hỏa leo núi, cáp treo… sẽ được quản lý chặt chẽ với điều kiện kinh doanh cụ thể, rõ ràng để đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
Về khắc phục yếu kém trong hạ tầng bến bãi phục vụ du khách, theo Cục Hàng hải Việt Nam, việc xây dựng đầu tư cảng biển phục vụ du lịch đã bắt đầu được các nhà đầu tư quan tâm. Cụ thể, một cảng chuyên phục vụ khách du lịch đang được xây dựng tại Quảng Ninh, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, có thể đón được tàu công suất 4.000 - 5.000 khách.
Tại cảng Chân Mây (Huế), một bến cảng hỗn hợp tàu hàng, tàu khách cũng đang được xây dựng. Tại các địa phương khác, trước mắt cũng sẽ vẫn kết hợp bến cảng đón tàu hàng và tàu khách nhưng trong tương lai sẽ cải tạo, nâng cấp để phục vụ tốt hơn việc đón tàu du lịch. Tương tự, ở lĩnh vực đường bộ, hiện Lào Cai, Quảng Ninh đã có bến xe chất lượng cao chuyên phục vụ du lịch. Đây sẽ là mô hình tốt để các địa phương khác tham khảo và xây dựng trong thời gian tới.