Nhà máy nước... hết nước
Chiều 16-4, UBND huyện Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng) đã chỉ đạo hỏa tốc giao UBND thị trấn Đạ M’ri khẩn trương bố trí phương tiện, nhân lực hỗ trợ, cùng Nhà máy nước Đạ Huoai nạo vét, khơi thông dòng chảy, tận dụng tối đa nguồn nước hiện có tại suối Đạ M’rê dẫn nước vào hố thu để cung cấp nước cho nhà máy.
Theo phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống tại thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Hoai, từ nhiều tuần nay, nguồn cung nước từ Nhà máy nước Đạ Huoai bị gián đoạn do mực nước suối Đạ M’rê xuống mức thấp. Chị Trần Thị Trinh (ngụ thị trấn Đạ M’ri) cho biết: “Những ngày trước, mỗi ngày chỉ cấp luân phiên 1-2 tiếng đồng hồ. Giờ nhà máy thông báo ngưng cấp nước thì không còn nước sử dụng. Chúng tôi phải mang can qua nhà người quen có giếng khoan để xin nước dùng tạm. Tuy nhiên đây là giải pháp tình thế, còn lâu dài chưa biết thế nào”.
Khi suối Đạ M’rê không còn nước, Nhà máy nước Đạ Huoai chính thức thông báo tạm ngưng cấp nước từ ngày 16-4 cho đến khi nước suối Đạ M’rê có nước trở lại. Việc ngưng cấp nước ảnh hưởng đến khoảng 700 hộ dân sinh sống trên địa bàn thị trấn Đạ M’ri.
Từ ngày 13-4 đến ngày 16-4, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang phối hợp Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Kiên Giang tổ chức cung cấp hơn 200.000 lít nước sinh hoạt cho người dân huyện Giang Thành và TP Hà Tiên (Kiên Giang). Đây là 2 địa phương giáp biên giới đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng trong mùa khô.
Tại huyện Giang Thành, lực lượng hỗ trợ khoảng 98.000 lít nước cho khoảng 500 hộ dân ở xã Phú Mỹ; còn tại TP Hà Tiên, hỗ trợ khoảng 120.000 lít nước cho hơn 600 hộ dân ở phường Mỹ Đức. Đại tá Cao Minh Tâm, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang, cho biết, việc vận chuyển, cung ứng nước sạch đến các xã vùng biên giới thể hiện sự chung tay chia sẻ của lực lượng vũ trang với người dân trong bối cảnh khô hạn đang diễn ra gay gắt.
Hồ chứa cạn kiệt
Cũng trong ngày 16-4, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết, do lượng mưa năm 2023 ít, thời tiết nắng nóng, khô hanh kéo dài từ đầu năm đến nay khiến 28/164 hồ chứa nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh bị cạn nước. Để ứng phó khô hạn, ngành nông nghiệp Bình Định đã lên kịch bản dự kiến sẽ cho dừng sản xuất trên 2.000ha đất lúa; kêu gọi người dân chủ động chuyển đổi cây trồng; khuyến khích sử dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước. Tỉnh Bình Định đang chỉ đạo củng cố lại hệ thống thủy nông để điều tiết, tận dụng được tối đa các nguồn nước, tránh lãng phí.
Ngoài ra, nếu nắng nóng tiếp diễn, không có mưa tiểu mãn vào tháng 5 tới đây, toàn tỉnh Bình Định có khoảng trên 6.000 hộ dân với 24.000 người nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, trong đó vùng hạn nặng nhất ở Vân Canh và Phù Mỹ, Tây Sơn…
Cùng ngày, UBND huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, do nắng hạn kéo dài, trên địa bàn có hơn 10.000ha cây trồng thiếu nước tưới (không có hoàn toàn hoặc gặp hạn hán kéo dài không có khả năng tưới), tập trung tại các xã Tam Bố, Gia Hiệp, Đinh Lạc, Gia Bắc, Sơn Điền...
Trong đó, khoảng 600ha cà phê có hiện tượng cháy, rụng lá. Toàn huyện có 53 công trình hồ, đập dâng, tuy nhiên do nắng nóng kéo dài và nhu cầu tưới nước cho cây trồng tăng cao nên mực nước các công trình hồ, đập đã xuống rất thấp, nhiều công trình đã cạn khô hoàn toàn. Điển hình như hồ Lăng Kuh (xã Gung Ré), mực nước còn chỉ đảm bảo tưới cho 1 đợt khoảng 2 ngày; hồ Kon Rum (xã Hòa Bắc), mực nước còn khoảng 10%; hồ thôn 3-4 (xã Tân Châu) còn khoảng 20%; hồ thôn 4 (xã Tân Thượng) còn khoảng 20%; hồ tiểu khu 608 (xã Đinh Trang Thượng) còn khoảng 30%....
Theo báo cáo nhận định thời tiết hạn mùa của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, từ tháng 5 đến tháng 7, hiện tượng El Nino vẫn duy trì nhưng cường độ suy yếu dần (từ nay đến khoảng tháng 6-2024), sau đó có khả năng chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất 75%-80%.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, cho biết từ nay đến tháng 7, trên Biển Đông có thể có bão nhưng số lượng cơn bão (hoặc áp thấp nhiệt đới) thấp hơn trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm là 2-3 cơn). Từ tháng 5 đến tháng 7 cũng là thời kỳ nắng nóng gia tăng tại miền Bắc và miền Trung. Nắng nóng tại Tây Nguyên và Nam bộ có khả năng kéo dài đến khoảng nửa đầu tháng 5-2024.