Người dân tại nhiều khu dân cư của Hà Nội, kể cả những chung cư cao cấp nhiều ngày qua đang phải sống trong cảnh khốn khổ vì hai chữ... “nước sạch”.
Chờ nước như thời... bao cấp
Trung Hòa - Nhân Chính là khu chung cư hiện đại của Hà Nội với khoảng gần 1 vạn người sinh sống. Thế nhưng nhiều ngày nay, người dân sống trong những căn hộ cao cấp lại không có nước sinh hoạt.
Mệt mỏi xách hai can nước vừa mới xin tại nhà người quen vào thang máy, chị Nguyễn Thị Hòa (một người dân tại tòa 18T1) bức xúc nói: “Từ đầu năm tới nay, tháng nào chúng tôi cũng phải chịu cảnh mất nước vài ngày, mới đây nhất là suốt cả tuần qua chẳng có giọt nước nào vì đường ống nước sông Đà về Hà Nội vỡ liên tiếp 2 lần trong 3 ngày, khiến nhiều gia đình rất khổ sở vì không có nước mà thời tiết lại quá nóng bức”.
Trong khi đó, một thành viên của ban quản lý tòa nhà cho biết, nhiều tòa nhà ở khu chung cư này đều có bể ngầm để dự trữ nước. Tuy nhiên nguồn nước thành phố mất nước kéo dài và bất ngờ, trong khi số dân sống ở đây rất đông nên không thể đảm bảo đủ nước phục vụ cho người dân.
Cũng “chết khát” nhưng hàng ngàn người dân ở khu chung cư Đại Thanh còn khốn khổ hơn gấp bội lần. Bởi nếu không vỡ đường ống nước sông Đà thì người dân nơi đây cũng chẳng mấy khi có đủ nước dùng, vì nguồn nước cấp cho khu dân cư này quá yếu.
Vì thế không ít gia đình, đêm đêm phải thức trắng để chờ hứng từng xô nước, hoặc những hôm có xe cấp nước của thành phố tới tăng cường thì người dân chen lấn lấy xô chậu, can thùng ra xếp hàng dài dằng dặc để lấy nước, chẳng khác gì thời bao cấp xếp thùng suốt đêm trên vỉa hè để lấy nước ở máy nước công cộng. Sau đó người dân lại chen nhau xách nước trong thang máy, nước đổ ra lênh láng khắp lối đi, khiến chung cư rất nhếch nhác và mất vệ sinh.
Tính đến nay đã có tới 9 lần đường ống dẫn nước từ sông Đà về Hà Nội bị vỡ. Mỗi lần vỡ ống như vậy, cuộc sống của hơn 70.000 hộ dân với hơn 1 triệu nhân khẩu thuộc nhiều quận nội thành Hà Nội như Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Từ Liêm… bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Điệp khúc “vỡ ống nước - thiếu nước, chết khát, hay khan hiếm nước sinh hoạt” đang là chuyện thường ngày mà nhiều khu dân cư ở các quận huyện trên phải đối mặt và gánh chịu. Thực trạng buồn đã khiến chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây đảo lộn. Không ít gia đình phải chi bộn tiền để mua nước đóng bình về làm nước sinh hoạt, hoặc thường xuyên phải tới nhà người thân, hoặc lên cơ quan, đơn vị tắm, giặt sinh hoạt chỉ vì nhà riêng không có nước.
Không chỉ vậy, nhiều hộ kinh doanh ăn uống, giải khát, cắt tóc gội đầu… cũng phải đóng cửa vì không có nước sử dụng.
Hãi hùng với nước ô nhiễm
Không chỉ chịu chung cảnh khan hiếm nước sinh hoạt mà gần 600 hộ dân tại khu chung cư Nam Đô (quận Hoàng Mai) còn phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn cho dù khu chung cư này mới đưa vào sử dụng được khoảng 1 năm nay.
Theo phản ánh của nhiều người dân, kể từ khi chuyển tới đây sinh sống, họ thường xuyên phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt có mùi hôi và cặn bẩn rất khó chịu. Nhiều người sau vài tháng sử dụng nguồn nước này đã bị viêm da và ghẻ lở.
Trước sự bức xúc của người dân, mới đây, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với cơ quan chức năng đã lấy mẫu để kiểm nghiệm chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại đây. Qua đó cho thấy, mẫu nước lấy từ bể ngầm và hộ dân đều có chỉ tiêu nitrite vượt quá giới hạn cho phép tới hơn 3 lần, không đảm bảo cho sinh hoạt, ăn uống.
Tiếp đó thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Y tế cũng đã lấy mẫu nước sinh hoạt ở khu Nam Đô xét nghiệm, tiếp tục phát hiện thêm có lượng tồn dư clo và pecmangannat rất cao, cùng với đó là bể nước bị nhiễm bẩn và sinh vật gây hại khá nhiều.
Ông Võ Thanh Sơn, Trưởng ban Liên lạc Bảo vệ quyền lợi của cư dân Nam Đô cho biết, gần một năm qua, chúng tôi liên tục có ý kiến về nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân nơi đây bị nhiễm bẩn nghiêm trọng nhưng chủ đầu tư của khu chung cư này phớt lờ, không thèm quan tâm đến cuộc sống của người dân.
Trong khi đó, tại khu đô thị Mỹ Đình 2 (Từ Liêm, Hà Nội), rất nhiều người dân phải sống trong lo sợ vì đã dùng nước bị nhiễm asen (thạch tín), một chất cực độc hơn cả thủy ngân, có thể gây ung thư và các bệnh nguy hiểm khác cho người sử dụng.
Theo kết quả kiểm tra mới nhất của Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội, tất cả các mẫu nước lấy tại Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 đều có hàm lượng asen vượt ngưỡng cho phép từ 2 - 8 lần.
Bức xúc trước việc nguồn nước sinh hoạt nơi đây bị nhiễm độc chất, anh Hùng (một cư dân tại CT5) phẫn nộ: “Chúng tôi đã dùng nguồn nước từ Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 tới 6 - 7 năm nay. Như vậy suốt thời gian dài sức khỏe của người dân nơi đây đang bị tổn hại, bào mòn vì nước nhiễm độc. Chúng tôi phải bỏ tiền ra mua dịch vụ, trong đó có cả nguồn nước sạch mà lại phải dùng nguồn nước nhiễm asen. Vậy ai sẽ đền bù và phải chịu trách nhiệm trước việc này nếu chúng tôi ung thư, ốm đau bệnh tật?”.
Như vậy, suốt một thời gian dài, hàng ngàn người dân phải sử dụng nguồn nước nhiễm độc để ăn uống, đây là điều rất khó chấp nhận.
MINH KHANG