Lụa là một trong những chất liệu ưa thích của Nam Sơn. Ông sáng tác nhiều tác phẩm chất liệu lụa, trong đó có Thiếu nữ cầm quạt (Tonkinoise à l’éventail).
Theo gia đình cố họa sĩ, bức tranh được ông vẽ khoảng năm 1935-1936, có kích thước 43 x 61,5cm, thể hiện chân dung một cô gái đang ngồi trên phản, tay phải cầm một chiếc quạt bằng giấy mỏng màu trắng, trên quạt có vẽ cành lan. Cô gái trẻ chân trái xếp bằng, chân phải co lên, mặc áo dài xanh, quần mầu trắng, cổ đeo kiềng. Gương mặt cô toát lên vẻ đẹp dịu dàng và kín đáo, thanh lịch, tao nhã, phong cách tỏa ra dáng dấp của một cô gái thành thị.
“Thiếu nữ cầm quạt” búi tóc theo kiểu miền Bắc. Để thêm nét quyến rũ và khuôn mặt thanh tao hơn, phụ nữ miền Bắc bấy giờ thường bọc mái tóc dài của họ trong một mảnh vải màu đen hoặc nhung the, sau đó vấn tròn quanh đầu như một vương miện. Đôi khi họ để đuôi tóc vương bên má, được gọi là bỏ đuôi gà. Sau đó có chút thay đổi, họ không dùng vải mà vấn tóc trần như thiếu nữ trong tranh.
Nhìn chung “Thiếu nữ cầm quạt” tạo ấn tượng bởi vẻ đằm thắm, nhẹ nhàng. Cô gái có khóe miệng vừa bí ẩn vừa duyên dáng, cười mà như không cười, và đặc biệt, đôi mắt trong sáng của cô như nói lên được rất nhiều điều… Tranh có màu sắc lạnh, nhưng hài hòa, sang trọng, gợi cho khách thưởng ngoạn những tình cảm nhu mì, nhẹ nhàng. Chiếc áo xanh biếc màu ngọc bích, ánh nắng hắt vào làm vạt trước trở nên mỏng manh và sáng hơn. Dưới đất hờ hững đôi guốc mộc cổ truyền - những hình ảnh đã trở thành dấu ấn thân quen, khó phai mờ trong tâm hồn của bao thế hệ người Việt.
Bức tranh được trình bày trong chiếc khung nguyên thủy, phía sau là mộc của nhà sản xuất khung “Tam Thọ bồi tranh – Bùi Ngọc Lưu – 58, phố Bắc Ninh (rue Maréchal Pétain), Hà Nội”. Nhà Tam Thọ nổi tiếng với việc đóng khung tranh và đặc biệt là phương pháp bồi tranh lụa theo kỹ thuật làm hồ dán cổ truyền, Nam Sơn có thói quen đặt khung ở đây.
Nét bút của Nam Sơn lộ rõ ra trên thần thái xinh đẹp của cô gái. Bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm, con gái thứ ba của họa sĩ Nam Sơn, nay đã 87 tuổi, khi nhìn tranh cho biết bà nhận ra người mẫu này, nhưng không nhớ tên. Bà kể, mỗi khi người mẫu đến nhà, các con gái trong gia đình ít được tiếp xúc, chỉ gọi tên người mẫu là “cô mô-đen” và không biết tên thật. Góc trái phía dưới, chữ ký quốc ngữ Nguyễn Nam Sơn. Trên chữ ký là một con dấu tròn cách điệu, trong vòng tròn ghi “Hàn Tùng” (chữ Hán, nghĩa là “Tùng trong giá lạnh”, chỉ đến người quân tử, cũng có thể ngụ ý rằng tranh hoàn tất vào mùa đông). Bên phải, là dòng chữ “Thần Kiếm hồ Nguyễn Nam Sơn“, nghĩa là người ngụ bên hồ Hoàn Kiếm tên là Nguyễn Nam Sơn, dưới là một triện rất đẹp hình chiếc lá, trên lá viết chữ “Kiếm hồ”, là nói đến hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, đang sống và làm việc tại Pháp- cháu ngoại của cố họa sĩ Nguyễn Nam Sơn- “Thiếu nữ cầm quạt” thuộc bộ sưu tập của Tiểu đoàn trưởng Fernand Mallet (đóng quân tại Hà Nội từ ngày 24-1-1936 đến ngày 28-4-1938)s. Từ năm 1938, bức tranh lụa này được mang về Pháp và được gia đình lưu giữ cho đến ngày hôm nay. Nét kiêu sa của “Thiếu nữ cầm quạt” đã thật sự chinh phục nhà đấu giá Aguttes, trong cuốn vựng tập đã trìu mến đưa cô lên bìa và còn trang trọng dành riêng mười trang để ca ngợi nhan sắc kiều diễm của cô. Bức tranh có giá khởi điểm từ 50.000 đến 80.000 euro.
Nguyễn Nam Sơn, tên thật là Nguyễn Vạn Thọ (1890-1973), quê gốc Vĩnh Yên, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, là một trong những họa sĩ Việt Nam đầu tiên của nền hội họa đương đại. Ông là người đồng sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương cùng với họa sĩ người Pháp Victor Tardieu và trực tiếp giảng dạy với tư cách giáo sư chuyên ngành. Ông cũng chính là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất được giao quản lý trường với cương vị, trọng trách là một quyền Hiệu trưởng, từ 3-1945 đến cuối năm 1945… Mới đây hồi tháng 3, cũng tại sàn đấu của Nhà Aguttes, bức tranh lụa “Thôn nữ Bắc kỳ” (ảnh, vẽ khoảng năm 1935) của danh họa đã làm “nóng” cả phiên đấu- khi có giá khởi điểm là 35.0000 euro và kết quả đã được chốt ở mức 205.000 euro (gần 6 tỷ đồng).